Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Một đường link hay về toán học

Có lẽ mình sẽ quay về toán học? chứ không phải là CNTT? http://diendantoanhoc.net/forum/index.php?/topic/102676-to%C3%A1n-h%E1%BB%8Dc-%E2%80%93-nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-k%C3%AC-th%C3%BA-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-m%E1%BB%91c-son-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD/

IDEA

Trong vấn đề tìm ra con đường mới, quan trọng vẫn là ý tưởng, hình thành các biện pháp, phương pháp thực hiện con đường đó. Trên quan điểm lập trình hướng đối tượng mà phân tích, thì mọi bài toán đều có thể giải được, tuy nhiên độ chính xác và tốc độ được đặt ra cần phải giải quyết.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Tiếc quá, một bài SCI bị Reject

Hôm submit viết còn non quá, bên bị Reject, tiếc quá. Giá như viết được như bây giờ thì có lẽ ko bị reject.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Hội thảo FAIR

Lịch sử hội nghị In Email Hội nghị FAIR lần thứ I đã được tổ chức vào ngày 4 và 5/10/2003, tại Trường Đại học Công nghệ (khi đó mới chỉ là Khoa Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Với tư duy nghiên cứu cơ bản phục vụ ứng dụng và chính thực tiễn ứng dụng lại đặt ra các bài toán cho nghiên cứu cơ bản (NCCB); nên Hội nghị đã được mang tên “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin", tên tiếng Anh "Fundamental and Applied IT Research", và được gọi tắt là FAIR từ dạo đó. Mục đích của Hội nghị đặt ra nhằm ánh giá tổng kết tình hình NCCB, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam giai đoạn 2001-2003. Đồng thời thảo luận những vấn đề thời sự về CNTT trong và ngoài nước, đưa ra những hướng nghiên cứu và phát triển tiếp theo, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, phát triển và triển khai công nghệ gặp gỡ trao đổi, tìm kiếm khả năng hợp tác. Sau khi báo cáo khoa học đã được trình bày tại Hội nghị, Ban chương trình đã lựa chọn, phản biện để có 47 bài đã được in trong Kỷ yếu do Nxb. Khoa học và Kỹ thuật xuất bản. Hội nghị FAIR lần thứ II được tổ chức vào hai ngày 23 và 24 tháng 9 năm 2005 tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM. Đây cũng là hội nghị tổng kết hoạt động NCCB trong 2 năm 2004 và 2005. Cũng như lần thứ II, sau khi đánh giá và phản biện đã có 48 báo cáo đã được in trong Kỷ yếu Hội nghị do Nxb. Khoa học và Kỹ thuất xuất bản. Hội nghị lần thứ III được tổ chức vào ngày 9 và 10 tháng 8 năm 2007 tại Đại học Nha Trang. Có 200 báo cáo đã được trình bày tại 6 tiểu ban trong 2 ngày. Kỷ yếu hội nghị cũng được in ấn và xuất bản bởi Nxb. Khoa học và Kỹ thuật với 35 báo cáo được in sau khi đã qua phản biện của các nhà khoa học trong nước. Cả 3 lần tổ chức hội nghị đều được bảo trợ của Hội đồng khoa học Ngành Tin học thuộc Hội đồng khoa học tự nhiên do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập. Trong cả 3 lần này đều có những tổng kết về các kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng CNTT do Hội đồng tài trợ. Hội nghị FAIR lần thứ IV được tổ chức trong hai ngày 24 và 25 tháng 12 năm 2009 trong một hoàn cảnh khá đặc biệt tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; khi Hội đồng Khoa học tự nhiên không còn tồn tại, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ra đời và hội đồng khoa học ngành khoa học thông tin và máy tính mới được thành lập được 5 tháng. Với tâm huyết của nhiều anh em cốt cán của một số viện, trường cuối tháng 9/2009. Thông báo số 1 cũng vì vậy mà bị chậm trễ; tuy nhiên vẫn có 88 báo cáo được đăng ký trình bày, sau khi phản biện có 20 bài đã được chọn lọc in trong kỷ yếu và xuất bản như những lần hội nghị trước. Hội nghị FAIR lần thứ V được tổ chức tại Trường Đại học Lạc Hồng, tọa lạc ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong hai ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2011 dưới sự bảo trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Với mục đích nâng cao chất lượng của các báo cáo tại hội nghị, Ban chương trình đã tiến hành sơ tuyển các báo cáo được gửi đến và đã chọn ra 80 báo cáo trong số 129 báo cáo để trình bày tại Hội nghị. Sau khi phản biện, có 26 bài có chất lượng tốt nhất đã được chọn in trong Kỷ yếu của Hội nghị do Nxb. Khoa học và Kỹ thuật xuất bản. Hội nghị FAIR lần thứ VI (http://fair.conf.vn/2013/) được tổ chức tại Đại học Huế vào ngày 20 và 21 tháng 6 năm 2013. Hơn hai trăm báo cáo thuộc mọi hướng nghiên cứu đã được gửi tới tham dự. Sau sơ tuyển có 164 báo cáo được chấp nhận trình bày tại 6 tiểu ban của Hội nghị. Lần thứ VI này Ban chương trình đã hoàn thiện quy trình phản biện trực tuyến quan hệ thống tại địa chỉ của FAIR. Có 89 bài được chọn để in trong Kỷ yếu của Hội nghị do Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ. Kỷ yếu lần này đã phát hành chính thức với số ISBN trong danh mục quy chuẫn.

Hội thảo @

Hội thảo Quốc gia lần thứ XVII "Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin và Truyền thông" do Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trường Đại học Tây Nguyên, tổ chức tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 10 năm 2014. Hội thảo là diễn đàn thường niên để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác. Đặc biệt hội thảo khuyến khích các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của mình. Các chủ đề chính (nhưng không hạn chế) của Hội thảo • Các hệ thống thông minh • An toàn thông tin • Mã nguồn mở • Điện toán đám mây • Giáo dục điện tử, đào tạo từ xa • Xử lý ngôn ngữ • Các hệ thống nhúng • Công nghệ tri thức và tính toán mềm • Các hệ thống tích hợp • Công nghệ mạng và mạng không dây • Thực tại ảo • Công nghệ phần mềm • Xử lý ảnh và kỹ thuật video • Các công nghệ tính toán hiện đại • Các hệ thống hỗ trợ quyết định • Tin sinh học • Cơ sở toán học của tin học • Công nghệ thông tin trong kinh tế - xã hội Một số mốc thời gian quan trọng của hội thảo - Toàn văn báo cáo: 30/8/2014 - Chấp nhận báo cáo: 01/10/2014 - Đăng ký tham dự: từ 05/10/2014 - Thời gian diễn ra hội thảo: 30-31/10/2014 Chú ý về việc gửi toàn văn và in kỷ yếu hội thảo Các tác giả gửi toàn văn báo cáo theo thời hạn cuối là ngày 30/8/2014 thông qua địa chỉ nhận bài: https://www.easychair.org/conferences/?conf=hoithaocntt2014. Ban Tổ chức chỉ nhận bài qua email: hoithao-cntt17@ioit.ac.vn trong trường hợp đặc biệt như sự cố mạng nghiêm trọng. Hướng dẫn chi tiết về định dạng mẫu LaTeX hoặc MS Word để viết bài cũng như cách gửi bài lên hệ thống EasyChair mời các tác giả xem tại phần "Hướng dẫn". Kỷ yếu hội thảo sẽ được in trong năm 2014 tại NXB Khoa học và kỹ thuật (có chỉ số ISBN). Thông tin liên hệ Email trao đổi thông tin về hội thảo: hoithao-cntt17@ioit.ac.vn

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Học, đọc, viết (2)

ĐỌC
Khả năng đọc là một trong những khả năng tuyệt vời của con người, là phát kiến thần kỳ và quan trọng có lẽ chỉ sau việc tìm ra lửa. Việc tìm ra lửa giúp biến thủy tổ của chúng ta từ loài vật thành loài người, việc phát kiến ra chữ viết và từ đó thiết lập nên một hoạt động mới của con người là đọc giúp biến con người “vớ vẩn” thành con người thông minh. Khác với suy nghĩ là một hoạt động có sẵn, đọc là một hoạt động cố ý và phải được huấn luyện được đúc kết từ khả năng quan sát và nhận biết thông tin. Nhờ có hoạt động đọc mà hiểu biết của chúng ta tăng lên và nhờ đó mà suy nghĩ của chúng ta được đẩy lên những tầm cao mới. Nói thế cũng có nghĩa là nếu không đọc thì suy nghĩ của chúng ta chỉ đứng yên ở những tầm cao…cũ.

Có lẽ chính vì đọc là một hoạt động phải được rèn luyện và thực hành một cách cố tình nên nó cũng là một hoạt động mang tính lựa chọn. Người ta không trốn tránh được việc suy nghĩ nhưng có thể lựa chọn đọc hay không đọc. Người ta có thể không đọc vì không biết chữ hay không có gì để đọc nhưng phần nhiều những người còn lại không đọc chỉ vì không thích đọc, nói ngắn gọn là vì lười hoặc vì không nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đọc. Nếu vì đọc làm ảnh hưởng đến việc mưu cầu sự sống thì có thể tha thứ được nhưng nếu không đọc chỉ vì lười thì là một điều rất đáng trách. Nếu bạn là một người như vậy thì khả năng suy nghĩ của bạn chắc chắn là sút kém và bạn đang tiến hóa lùi.

Khi có một cái ô tô thì bạn đã có phương tiện để đi xa. Nếu thay vì dùng ô tô để đi những khoảng cách hàng ngàn km bạn lai quyết định đi bộ thì bạn đang để phí những nguồn lực quan trọng. Khả năng đọc cũng là một phương tiên tương tự như ô tô có thể đưa bạn đến những nơi bạn chưa đến, làm những việc thú vị mà bạn chưa làm, gặp gỡ những người có thể làm thay đổi lộ trình của cuộc đời bạn. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc bạn không sử dụng phương tiện này cả. Như hoạt động nhìn, hoạt động nghe, hoạt động đọc phải được coi là một hoạt động quan trọng mà bạn thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Tại sao việc đọc lại quan trọng đến như vậy? Bạn thử hình dung lại khi chưa có chữ viết thì thông tin được truyền đạt từ đời này sang đời khác như thế nào. Thuần túy là bằng trí nhớ kiểu cha truyền con nối. Không chỉ nói đến văn học dân gian hay những thần thoại mang tính sử thi, những kiến thức mang tính sống còn với con người ví như loại quả loại cây nào ăn được cũng chỉ được truyền đạt lại cho người sau bằng cách này. Lời nói gió bay, độ chính xác của những thông tin truyền lại thường bị sai lệch đi nhiều. Chữ viết đã ra đời để giúp nâng cao độ tin cậy của thông tin đồng thời trở thành một phương tiện lưu trữ hết sức hiệu quả các thành tựu bất kể lớn bé của con người. Đa phần những kiến thức quan trọng ngày hôm nay đều đã được ghi chép lại dưói một dạng chữ viết này hay chữ viết khác. Thay vào việc tìm tòi và nghiên cứu lại từ đầu, người đời sau có thể sử dụng kiến thức của đời trước để phát triển hơn nữa. Để có thể làm được như vậy chỉ có một cách duy nhất là đọc.

Đọc vì thế có các chức năng thông tin và học. Đọc cũng có chức năng giải trí nhưng với bạn là người theo đuổi học vấn có mục đích thì chức năng này phải được coi như chức năng phụ. Việc bạn sử dụng chức năng nào của đọc phụ thuộc vào hai điềm sau: thứ nhất, bạn đọc như thế nào; và thứ hai, bạn đọc cái gì.

=== 1. Đọc như thế nào?

Khi mới bắt đầu học đọc tôi thường chỉ đọc mà không ghi chép. Lúc còn trẻ con và sau này nữa trí nhớ còn tốt, đọc mà không ghi chép tôi vẫn có thể nhớ được nhiều và nhiều năm về sau vẫn có thể nhớ lại những thông tin đã đọc. Nhưng những thông tin quan trọng mà không nhớ được cũng rất nhiều. Chính vì để khỏi mất mát những thông tin quan trọng đã đọc được, tôi bây giờ ủng hộ việc đọc có ghi chép. Tuổi càng cao lên, trí nhớ của bạn càng sút giảm và lợi ích của việc ghi chép sẽ ngày càng tăng. Lời khuyên đầu tiên của tôi về việc đọc là nên ghi chép lại ngắn gọn những thứ bạn đọc. Cũng nên ghi chép chi tiết những thứ mà vào thời điểm đọc bạn coi là quan trọng.

Như vậy đọc để học và đọc để giải trí khác nhau ở một điểm đầu tiên này là tầm quan trọng của thông tin thu thập được. Khi đọc với chủ định học và ghi nhớ, bạn nên ghi chép; nếu đọc chỉ để chơi cho vui, đỡ buồn thì thôi.

Đọc bằng ngoại ngữ tuy thế lại có chức năng học kép, bạn vừa học ngoại ngữ lại vừa học kiến thức. Kể cả khi mà tài liệu bạn đọc không có gì quan trọng về nội dung, bạn vẫn có thể học được ngoại ngữ. Chính vì thế, nên ghi chép bất kỳ khi nào bạn đọc bằng ngoại ngữ.

Trái với quan niệm cổ truyền lạc hậu của chúng ta là đọc nhiều quá làm cho người ta bị bệnh về tinh thần, tôi đảm bảo với bạn là tôi đã gặp nhiều người cả đời chỉ có đọc và học mà trí tuệ hoàn toàn minh mẫn. Việc đọc và suy nghĩ không làm người ta lao lực mà ngược lại làm phát triển khả năng tư duy và góp nhặt tài sản tri thức. Chính hai thứ sau này khiến dân gian không được vừa lòng lắm với những tay “mọt sách.” Để tránh bị phê bình là odd-ball hay bookworm bạn chỉ cần để ý chút ít về các kỹ năng giao tiếp xã hội thông thường, nên tránh việc phô bày kiến thức ở những nơi mà bạn nghĩ nó sẽ không được đề cao lắm. Khiêm tốn bao giờ cũng là một đức tính đáng quý. Nếu bạn chưa là bạn của mọi người nhờ kiến thức thì lý do đầu tiên là kiến thức của bạn chưa đủ.

Chính vì đọc để học không có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn như dân gian vẫn quan niệm, tôi khuyên bạn nên đọc bất kỳ khi nào có thể và bất kỳ cái gì có thể phục vụ cho mục đích học của bạn. Hãy đọc để học và đọc cả để nghỉ ngơi.

Rèn luyện được thói quen đọc nhiều, mọi nơi và đọc có ghi chép là tất cả những gì bạn cần để đọc thành công trong môi trường học ở Mỹ. Khác với học ở Việt Nam, việc đọc không được chú trọng lắm, một hai quyển sách giáo khoa đã là đủ thì ở Mỹ mỗi buổi học giáo sư có thể giao cho bạn đọc từ vài chục đến hàng trăm trang sách. Sự khác biệt này là hệ quả của một trong những nhược điểm của việc học ở Việt Nam và Trung Quốc tôi đã nói ở phần trên. Ở Việt Nam, quan niệm cho rằng kiến thức trong quyển sách giáo khoa kia đã là sự thật không thể thật hơn được nữa và để giỏi bạn chỉ cần biết đến thế. Ở Mỹ, cho sinh viên tiếp thụ thông tin trái ngược nhau là để sinh viên tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình đồng thời rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy chọn lọc (không tin ngay những gì bạn đọc, luôn đặt câu hỏi với thông tin, không hài lòng với những kiến thức có sẵn.) Học ở ta như thế sẽ khó tránh được việc phát triển cái cũ hay chỉ đơn thuần là hạn chế tư duy phá lệ thì ở Mỹ, sự va chạm của các nguồn thông tin trái ngược nhau hay sản sinh ra những cái mới, mở ra những chần trời học vấn mới.

Với lượng thông tin lớn như vậy phải nắm kịp trong một thời gian ngắn trước bài giảng, bạn sẽ cần những kỹ năng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Phải thú thực là ít có người, kể cả và đặc biệt là sinh viên Mỹ, có thể đọc hết tất cả những thứ thầy giao cho đọc trước. Sinh viên nước ngoài thông thường do đọc tiếng Anh như ngoại ngữ nên lại đọc càng ít hơn. Nói thế không có nghĩa là bạn cũng sẽ như vậy. Có nhiều lợi ích trong việc đọc hết được các assigned readings. Nếu bạn làm được thì bạn sẽ học được rất nhiều nhưng để làm được thế bạn cần phải làm gì.

Muốn đọc được nhiều trong thời gian ngắn, bạn cần phải đọc nhanh. Đọc nhanh tuy thế chỉ có tác dụng khi bạn nhớ được nội dung của những gì bạn đọc. Nếu không nhớ được thì đọc nhanh mấy cũng chỉ là vô ích.

Trong thời đại bùng nổ thông tin thế này, việc đọc nhanh lại càng trở nên có ích. Các chương trình dậy đọc nhanh ở Mỹ khoe là có thể huấn luyện cho ngưới ta đọc nhanh đến 10.000 từ mỗi phút (khoảng 20 trang A4) với độ ghi nhớ (retention) đến 80%. Tôi e rằng các con số này chỉ là quảng cáo. Theo tôi hiểu người thường có thể đọc bản ngữ đến khoảng 200 từ mỗi phút với độ ghi nhớ cao khoảng 60% tức là mỗi phút đọc tiếng Việt bạn sẽ may mắn nếu nhớ được thông tin chứa trong 120 từ. Cứ cho như bạn đọc tiếng Anh với tốc độ của người bản ngữ thì để đọc 100 trang (~40-50.000 từ) cho một môn học thì bạn sẽ mất khoảng 3-4 tiếng. Bạn có làm được thế không?

Nếu bạn trả lời là Không thì tôi khuyên bạn nên khởi động ngay từ bây giờ và chuyển sang đọc tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Không phải là người bản ngữ, để đọc nhanh hơn, trước tiên bạn cần phải vượt qua những rào cản ngữ pháp và từ vựng. Ngữ pháp thì dễ dàng hơn, từ vựng thì là việc học cả đời “chỉ nói là nhiều hay ít chứ không biết thế nào cho đủ.”

Không thể nói về việc đọc mà không đề cập đến tầm quan trọng của từ vựng. Từ, đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, là phương tiện quan trọng nhất chuyển tải ý tưởng (vehicles for ideas.) Để nắm bắt được nhiều ý tưởng hơn trong thời gian ngắn, bạn nhất thiết phải biết nhiều từ hơn mà không chỉ biết sơ qua, phải thật sự thân thiết. Từ vựng phải được coi như bạn thân để giữ cả đời (good friends to keep for life.)

Đọc câu trên tối viết, có lẽ bạn hơi nhăn mặt nghĩ rằng tôi đang hoa mỹ không cần thiết. Có thể là thế nhưng để tôi giải thích và bạn sẽ nghĩ lại là không phải thế. Do mỗi từ, ở đây tôi nói tiếng Anh, chuyển tải một ý tưởng riêng biệt-kể cả các từ đồng nghĩa cũng không hoàn toàn giống nhau-nên mỗi từ bạn biết thêm cho bạn khả năng diễn đạt một ý tưởng mới mà trước đây bạn có thế hoàn toàn không biết đến hay có biết thì để diễn đạt phải dùng cả câu dài. Nói không ngoa, mỗi từ lại thêm một chút ý nghĩa vào cuộc đời của bạn. Đây cũng đồng thời là định nghĩa cho những người bạn tốt. Như vậy, từ vựng và bạn tốt đúng thực là giống nhau. Để đọc nhiều bạn cần đọc nhanh, để đọc nhanh bạn cần biết nhiều từ, việc bạn biết nhiều hay ít từ phụ thuộc vào việc bạn đọc cái gì. ===

2. Đọc cái gì?

Lúc khởi đầu, hãy đọc cái gì bạn thích. Đừng đọc những gì bạn bị bắt phải đọc.

Làm gì cũng vậy và đọc không phải là ngoại lệ, chúng ta làm tốt hơn nếu ham thích công việc đang làm. Đừng lo nếu ở lớp ngoại ngữ thầy cô giáo bắt bạn phải đọc một tài liệu do họ chọn, hãy cố tự chọn cho mình những tài liệu mà mình có quan tâm. Hãy đọc bầt kỳ cái gì bạn thích. Đừng ngại ngần nếu cái bạn đọc không có liên quan gì đến cái bạn học. Kiến thức có những cách kết hợp kỳ lạ ngoài tầm kiểm soát hay mong muốn của bạn.

Một quyển sách tiếng Anh hay đọc trong một tuần có giá trị hơn sáu tháng học ngoại ngữ trên lớp.

Khó tin nhưng là việc có thật. Một quyển sách hay vài trăm trang về bất kỳ vấn đề gì bạn thích là một bài học tổng hợp tốt nhất bạn có thể có. Sách sẽ dạy cho bạn cách hành văn, ngữ pháp, từ vựng, văn hóa, lịch sử, xã hội, đạo đức, triết học, tình yêu, vv. Xin thử cho tôi một ví dụ về sáu tháng học tiếng Anh trên lớp có thể mang lại cho bạn bằng đấy kiến thức. Xin nhớ đừng quên ghi chép và đừng quên biến việc đọc thành một quá trình. Việc đọc sách nhiều trong thời gian đầu học tiếng Anh sẽ giúp bạn có thể thi TOEFL được điểm cao về ngữ pháp, từ vựng và đọc hiểu mà không cần phải học. Hãy đọc nhiều truyện hay, lãng mạn hay công an bắt gián điệp đều được cả miễn là bạn thấy thích. Ngày xưa tôi cứ đọc vài quyển sách là thấy tiếng Anh của mình đã lên cao hẳn lên một bậc.

Ở đây có hai điểm tôi muốn nói. Thứ nhất là khái niệm subliminal learning. Khái niệm này nói về việc học không có chủ ý. Đọc tiểu thuyết bằng ngoại ngữ là ví dụ như vậy, bạn học mà không biết là mình đang học. Khi tôi khuyên mọi người nên đọc bất kỳ cái gì, thông thường tôi thấy mọi người có vẻ đều nghi ngờ hoặc nếu có đồng tình thì chỉ để đó chứ không thực hiện. Về kỹ thuật mà nói, bất kỳ cái gì bạn đã nhìn thấy bạn đều nhớ. Việc bạn có biết là mình đã nhớ những gì hay có gọi lại những thứ bạn đã nhớ hay không lại là những việc khác. Học tiếng Anh bằng công thức trên lớp chỉ là một cách, thông thường hiệu quả kém nếu bạn không thích người dậy, thời tiết nóng bức, tài liệu học, người ngồi bên cạnh, vv. Đọc sách giúp bạn học thếm nhiều điều bạn cố ý học và song song là thu thập mọi thứ bạn nhìn thấy trong sách rồi lưu trữ lại trong đầu bạn khi nào ý thức yêu cầu bạn có ý kiến về một vấn đề có thể bạn hoàn toàn không biết nhưng đã trót nhìn thấy ở đâu đó trong một quyển sách bạn đã đọc, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về hiệu quả truy cập thông tin trong tiềm thức. Bạn sẽ có ý kiến của mình mà đôi lúc không hiểu từ đâu ra.

Đây là một cách cực kỳ hiệu quả để học ngữ pháp tiếng Anh nếu ngữ pháp là thứ bạn sợ. Hãy đọc nhiều và bạn sẽ tự nhiên biết được ngữ pháp thế nào là đúng. Hãy đọc thật nhiều và bạn sẽ biết được ngữ pháp thế nào là sai. Bạn sẽ phát triển được con mắt thứ ba về các quy tắc ngữ pháp và hành văn tiếng Anh gần như chính xác tuyệt đối mà không bị mất nhiều công sức.

Điều thứ hai tôi muốn nói là về từ vựng. Ở đây tôi xin ghi lại nguyên văn 5 quy tắc học từ của tác giả Norman Lewis, một chuyên gia về huấn luyện từ vựng tiếng Anh cho người Mỹ. Xin gợi ý lại cho các bạn đang học thi GRE hay GMAT là người bản ngữ cũng thấy khó học từ hệt như bạn.

 Phải cởi mở với từ mới một cách chủ động

Từ mới sẽ không đuổi theo để bạn nhớ, hãy đi tìm chúng

 Hãy đọc thật nhiều (Hì hì, nhớ tôi nói gì ở trên không?)

Cố đọc một quyển sách và vài tạp chí mỗi tuần, không chỉ tuần này và tuần sau mà suốt cả đời.

 Hãy thêm từ mới đọc được vào vốn từ vựng của mình

Lần đầu nhìn thấy từ mới, hãy dừng một chút để suy nghĩ đến ý nghĩa của từ trong văn cảnh cũng như “chiêm ngưỡng dung nhan của nó”. Bạn chưa chắc đã nhớ ngay nhưng sẽ nhận ra nó lần sau, vài lần như thế thì bạn không chỉ nhớ mà còn biết các nghĩa khác nhau của từ nữa.

 Phải để tư tưởng cởi mở với các ý tưởng mới. Từ là ý, nếu không muốn nhớ ý thì sẽ khó nhớ từ

 Phải đặt mục tiêu cụ thể Nếu không có mục tiêu thì trong vòng một năm tới may lắm bạn học được thêm vài chục từ mới. Nếu có mục tiêu bạn có thể học được vài chục từ mới trong vòng một tuần hay vài ngàn từ trong cả năm. Đừng sợ học hết từ, tiếng Anh hiện đại có ít nhất 500.000 từ và mỗi ngày đều có thêm những từ mới.

oOo KỸ THUẬT ĐỌC NHANH

Nhân có mấy bạn hỏi tôi vì sao tôi có thể đọc nhanh, cũng như nhiều người cho rằng tôi đọc nhiều quá, họ ngưỡng mộ. Kỳ thực, chỉ là kiến tha lâu đầy tổ mà thôi.

Nguyễn Hiến Lê, một người được đánh giá là có sức đọc sức viết ghê hồn, cũng cho rằng ông làm từng chút một, và vì thế có được sự tích tụ cao. Ngày trước, một bài báo về Lý Lan, nhà văn tôi yêu thích và là giáo viên ở trường Lê Hồng Phong (không trực tiếp dạy tôi) có trả lời phỏng vấn rằng, “Mỗi ngày tôi [cố] đọc 300 trang và viết 10 trang”.

Còn đây là cách của YD, tôi chỉ là một người nhỏ bé lẫn vào giữa đám đông, vì thế, có lẽ cách của tôi sẽ hợp tai hơn với các bạn, vốn có khoảng cách quá xa với ông Hiến Lê và bà Lý Lan. Bí quyết chỉ tóm gọn trong mấy chữ: Say mê- Phương pháp- Tư duy và Thực hành.

Để đọc, hoặc nói rộng ra là làm bất cứ chuyện gì, bạn phải có sự say mê. Say mê tìm kiếm: nên đọc gì, đọc ở đâu, đọc ra sao, thời điểm nào để đọc. Tôi luôn có ít nhất một danh sách những gì cần đọc, tin tôi đi, danh sách ấy dài ngất ngưởng. Thời gian của chúng ta là hữu hạn, tri thức thì vô hạn, vì thế, luôn luôn phải chọn ra những gì là cần thiết, chọn lọc nó, đặt cho nó những mục tiêu. Ví dụ, cách đây năm năm, mục tiêu của tôi là một năm đọc 100 cuốn sách, trong đó có 5 phần gồm văn học, sách quản lý, lịch sử, các sách chuyên ngành MKT, và chuyên ngành sâu của Quảng Cáo (vì tôi mê nó). Khi đó, tôi buộc phải lựa chọn: nếu chỉ đọc 20 cuốn về quản lý, thì tôi sẽ phải đọc những cuốn nào? Google để tìm hiểu. Tham khảo những người chung quanh để hỏi thăm. Tham gia vào những câu lạc bộ quản lý, những người mê sách để thăm hỏi họ. Tìm hiểu những mục review đầy rẫy trên mạng để xem sách nào nên đọc, tác giả nào nên theo, và nếu đọc, thì trình tự nên như thế nào để tư duy được hệ thống và hiểu biết có thể phát triển tương ứng. Kết quả là gì? Tôi đã tìm được vài cuốn để đọc, nhưng đến hết năm đó, tôi vẫn chưa đọc được trọn vẹn một cuốn nào trong số 20 cuốn đã đề ra. Năm đó, để “chạy target” tôi lôi tiểu thuyết và sách lịch sử chính trị ra để “thế mạng”. Kết quả là, 120 cuốn đã được tiêu thụ nhanh chóng, nhưng theo tỉ lệ 100 cuốn truyện và 20 cuốn lịch sử, một kiểu chạy làng rất chuối và đáng hổ thẹn với chính mình. Những năm sau này, tôi vẫn tiếc cho thời gian đó, giá mình có thể kỷ luật hơn với bản thân, thì có lẽ trong thời gian đó đâu có phải vật vã vì ngu dốt, bị khách hàng và sếp quay lơ trong hàng loạt những hướng dẫn nhặng xị (mà chưa chắc gì họ đã hiểu biết có hệ thống, chỉ là nghề dạy nghề, hoặc sống lâu lên lão làng mà thôi)

Tôi tìm hiểu về phương pháp đọc nhanh, thực hành thử và kết quả tồi tệ vô cùng: đọc quá xá nhanh mà không hiểu gì hết!! ☺ Vì thế, tôi cho rằng, mình thật là tồi tệ. Đúng ra, tôi nên nhẹ nhàng với bản thân hơn, vì tôi đã so sánh mình với Napoleon! ;) Thực ra, công tâm mà nói, tôi cũng đọc nhanh lắm chớ bộ. Ở thư viện quốc gia, một ngày tôi đọc 6 cuốn sách, buổi chiều mượn về nhà 3 cuốn nữa (maximum là 3 cuốn 1 lần mượn), rồi sáng hôm sau lên trả cho họ. Đọc như vậy thật là nhanh, nhưng tôi không thể duy trì tốc độ này vì nó quá mệt, và chẳng phải ngày nào cũng rảnh để đọc liền tù tì. Vì phải làm nhiều việc khác, nên tôi đành chọn lọc sách mà đọc, thay vì cố đọc cho nhanh. Thế là, với một vấn đề, sẽ có một số sách. Tôi đành chọn hú họa năm bảy cái tên, rồi tra trên mạng xem người ta nói gì. (Thời đó mạng internet mắc mà chậm dữ lắm đó, chứ không có ADSL như hiện nay đâu) Tiếng Anh tôi cũng kém, mà cách đọc trên mạng cũng chậm hơn hiện nay nhiều, nên tôi cũng chỉ đọc được qua quít mấy trang đầu bảng, rồi chọn đại cuốn sách nào đó theo mấy tiêu chí sau:

- Được nhiều trang viết về nó. Thí dụ giữa cuốn A và B, giả sử search ra nhiều trang hơn, thì tôi sẽ cho nó nhiều điểm. - Được nhiều người đánh giá cao hơn. Như đã nói về cách chọn của tôi rất thô sơ và ấu trĩ nữa, nên làm như thế này sai thì nhiều mà đúng thì ít, kết quả là tôi đọc phải toàn sách đểu! Nhưng chính vì thế mà rút ra kinh nghiệm để đọc được sách hay!

- Của những tác giả tôi yêu thích hoặc đánh giá cao. Đó là những bậc thầy của thế giới, hoặc những người mà đọc cảm thấy “kết” và rút ra được điều gì. Đôi khi vài tác giả tôi chỉ đọc một cuốn, và cảm thấy rằng, dường như cuốn sách đó là tinh hoa của họ rồi. Ví dụ, Tô Hoài viết rất nhiều, nhưng gần như chỉ có Dế mèn phiêu lưu ký là trọn vẹn tư tưởng của ông. Đấy là vì chúng ta đang sống trong một thời đại thừa thãi thông tin, liền tiếp thời gian thiếu hụt thông tin của thế hệ cha mẹ chúng ta.

- Của chủ đề hẹp mà tôi đang tìm kiếm, hoặc đang “cồn cào”. Thí dụ mấy quyển sách đang được PR ầm ĩ, hoặc là của tác giả “đang lên”, hoặc những chủ đề thời thượng. Đọc “ăn theo” thế này là để xóa mù tri thức và đi đến đâu cũng có thể ra rả về Khởi thuật, Cha giàu cha nghèo, Barack Obama, hoặc Từ Tốt đến Vĩ Đại. Một số sách đúng là đáng đọc thật, một số khác thì không, ví như Lê Vân- Yêu và sống, Chuyện tình Oxford, Chuyện của một thiên tài, hoặc Chiến lược kinh doanh Bất Động Sản của Trump dành cho nhà đầu tư nhỏ. Từ đó, tôi rút ra được những “trường phái” nào phù hợp với mình: ví dụ, New York Times có gout rất phù hợp với tôi, hoặc những sách VN PR ầm ĩ mà tác giả mới thì tôi sẽ đi tìm hiểu tiểu sử tác giả và xem qua vài bài phỏng vấn của họ cũng như cách họ “bán” câu chuyện của mình. Nếu nó không hợp, thì thôi. Thà giết lầm hơn bỏ sót! Trường hợp Chuyện của một thiên tài thì lạ lùng hơn. Bạn tôi giới thiệu để đọc, và cô ấy rất biết chọn lọc sách hay, nên tôi tin tưởng hoàn toàn. Nhờ cô ấy mà tôi đọc được bao nhiêu tác phẩm văn học hay, và đỡ tốn kém biết bao nhiêu vì cô làm trưởng phòng Tiếp thị một công ty Văn hóa, sách mới để chật nhà. (Cảm ơn nhà tài trợ, chụt chụt) Chuyện của một thiên tài còn được nhà văn tôi yêu quý viết giới thiệu. Vì thế tôi hăm hở đọc lắm, nhưng chỉ được một vài chương là bỏ của chạy lấy người. Bài học rành rành: bạn có thể rất hợp gout với mình, nhưng có lẽ maximum cũng chỉ 80% thôi, tin 100% thì sai ráng chịu! Một bài học khác rất hỡi ơi: nhà văn tôi thích chỉ là một văn sĩ giỏi, chưa chắc là một người có gout thẩm mỹ và thẩm định văn học giống mình. Điều này cũng giống như bạn thắng cả hai nhà vô địch cờ vua và cờ tướng vậy! Bạn đấu cờ tướng với ông vô địch cờ vua và ngược lại!

Tóm lại, vì chọn đọc một cách tích cực, nên tuy tốn tí thời gian sục sạo nhưng mở mang nhiều kiến thức và sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Việc đọc một cuốn sách như thế cũng giảm được 1/3 thời gian do đã biết được thanh thế tác giả, tư tưởng chủ đạo của sách. Những điều này chẳng có gì mới mẻ, chúng ta đã được học và nhồi nhét khá kỹ suốt 12 năm học. Nhưng chính vì chúng ta phải học quá nhiều thứ và mỗi thứ một tí ti, nên rút cục, khi ra đời, chúng ta phải học lại cái bài học thô sơ là tìm hiểu về tác giả và bài học chủ đạo! ...

Tiếp theo, vì quen đọc, nên tốc độ đọc của tôi được cải thiện một cách tự nhiên và bền vững. Trăm hay không bằng tay quen mà, vả lại, một số tư tưởng này, ý kiến nọ, thì được phát triển chồng chất lên nhau. Sự tìm đọc một cách chủ đích và có hệ thống sẽ phát huy được sức mạnh của trí tuệ và từ đó tác động tích cực đến tốc độ tiếp thu của não bộ. Đồng thời, một lịch đọc/ viết rõ ràng, đầy sức rướn sẽ định hình cho ta thời gian cần thiết và làm giảm những chỗ trống vô hình trong lịch làm việc của ta. Ngày nào không có hẹn thì phải đọc được từng này trang sách. Ngày nào có hẹn thì chuẩn bị sẵn trong giỏ một cuốn gì nhỏ nhỏ để trong lúc chờ đợi thì đọc qua. Nhờ vậy mà tôi tự hình thành một thói quen làm gì cũng thành một chuỗi. Hôm nào lỡ hẹn ai rồi thì làm thành một dây hẹn, hoặc không thì ở nhà cả ngày để ngốn ngấu tàng thư. Vì tôi cũng không có cái xa hoa bỏ ra vài ngày ngâm cứu một đề tài gì, mà một lúc cùng bị xoay vần nhiều thứ khác nhau nên đành phải tập cách chia từng “ô” nhỏ như hồi xưa đi học có Văn Toán Sử Địa Ngoại Ngữ lộn tùng phèo. Thói quen ghi chú và gạch xóa vào trong sách cũng góp phần giúp tôi giảm tốc độ đọc để còn kịp tiêu hóa chữ và ý, nhưng cũng làm sách xấu đi nhiều. Có nhiều tranh cãi về đọc sách; như tôi được dạy về cách giữ cho sách được đẹp đẽ tươm tất như mới. Bạn tôi cũng có một tủ sách vĩ đại và từng cuốn một đều ngay ngắn như vừa được xuất bản ra. Sách của tôi thì không thế. Cuốn nào đã đọc qua thì bèo nhèo như thể đã bị rút hết tinh hoa đi vậy. Bởi tôi đọc sách là để lấy cái thần khí của nó, và có khi sách là để tiêu hóa một điều gì mới mẻ trước khi cái mới hơn kịp xảy ra, nên đôi khi, để sách mới hoặc ngay ngắn quá thì tôi lại có cái cảm giác tội lỗi như thể… thấy con gái mới lớn tắm truồng mà bỏ mặc vậy đó!

Thường một cuốn sách sẽ được đọc nhiều lần. Lần thứ nhất là khi nó được giới thiệu trên báo hoặc trên mạng: tôi rất chú ý đón xem cuốn nào mới ra, có gì đáng chú ý không, hoặc cần tìm thêm cuốn nào nữa để đọc cùng với nó. Đó là lý do ngày đêm tôi dò dẫm tìm sách mới như thể một con ma đói thực thụ. Bất kể review nào tôi cũng đều xem qua, vì thế, tình hình sách mới ra tôi nằm lòng còn hơn giá vàng lên xuống hoặc thời tiết Sài Gòn mưa nắng thế nào. Lần thứ hai là trước khi tôi chuẩn bị ấn lệnh “mua” sách: tôi sẽ đọc thật kỹ bài giới thiệu, rồi cân nhắc giữa những thứ mình cần và phải mua, cũng như số tiền có thể chi xài. Vậy chứ lần nào mua cũng lố gấp đôi số sách cần thiết, và tương ứng tỉ lệ đó cho tiêu xài vào văn hóa. Phụ nữ mê áo quần giỏ xách giày dép ra sao, đàn ông mê xe cộ máy móc thế nào, thì tôi mê sách cỡ đó. Lần thứ ba là khi nhận được đống sách: tôi coi sơ qua bìa, mục lục, những lời giới thiệu, hoặc lật vèo vèo cho nó qua các trang để coi hình (hệt như con nít). Cuốn nào hay, tôi sẽ xếp nó vào chỗ thuận tay. Cuốn nào ít hấp dẫn, tôi sẽ để lên đầu giường (đặng tối đọc cho dễ ngủ). Lần thứ tư, tôi mới bắt đầu đọc. Thường thì tôi đọc sách từ đầu đến cuối, vì những gì cần thiết thì những lần trước tôi đã cóp nhặt rồi; nhưng đôi khi vì thời gian có hạn hoặc vì số tài liệu đồ sộ cần phải xem qua, tôi chỉ đọc nhảy cóc những phần cần thiết mà thôi. Lập nên một cái “check list” để khi đọc tập trung vào những điểm chính cũng giúp làm ngắn gọn những quyển sách lê thê rườm rà như bộ nổi đình nổi đám Cha giàu cha nghèo. Một số sách của phương Tây có kiểu tóm tắt vào cuối chương, cách này rất hay cho những người không có nhiều thời gian rộng rãi như tôi. Khi đọc, tôi thường chủ đích nghỉ ở cuối chương, vì như thế đầu óc cũng được ngơi đúng nhịp, và lúc bắt đầu lại thì chỉ cần xem ghi chú tóm tắt chương trước thì nắm được toàn bộ ý chính. Đôi khi sách không có phần tóm ý này, tôi tự tay tóm tắt và nguệch ngoạc ghi vào sách luôn, nhất là những phần có giá trị với bản thân hoặc cảm thấy hứng thú! Khi đọc sách xong (lần thứ 4) thì tôi bỏ thêm chừng mười phút nữa lướt qua mục lục: chương nào không nhớ được, hoặc nhớ không tốt thì tôi mở lại phần ghi chú tóm tắt cuối chương để xem lại. Vì thế, sách nào tôi đã đọc một lần thì nhớ như in, kể cả từng chi tiết nhỏ. Chỉ có cái tôi không thể nào nhớ nổi là ngày tháng năm và tên nhân vật, đặc biệt là nhân vật phụ hoặc những người có tên dài dài hoặc khó đọc!

Bạn Hảo của tôi còn chỉ cho một cách đọc kỳ công hơn: tức là vừa đọc vừa đối thoại với tác giả. Phải biết xuất thân của họ, học hành của họ, rồi suy luận ra nguyên nhân nào dẫn tới suy nghĩ của họ, liên hệ với những tư duy đương thời hoặc trước đó để làm thành kiến trúc hệ thống tư duy. Bạn đó bày vẽ cách đọc sách làm tôi hoa mắt cận thị luôn, tôi chỉ biết cách đọc rất võ biền của mình: cầm sách lên, và mắt chảy tuột theo chữ cứ như nước chảy lai láng trên da người đẹp vậy!

Nước chảy từ cao xuống thấp theo quy luật trọng lực. Các tư tưởng hoặc ý đồ của bất kỳ nhà văn, nhà tư tưởng, tác giả nào, cũng phải biểu hiện qua ngôn ngữ là phương tiện thể hiện những suy nghĩ và ý chí đó. Nắm bắt được ngữ pháp, các quy luật ngôn ngữ, cũng như cách hành văn của tác giả, sẽ giúp chúng ta cảm thụ được sách tốt hơn cũng như duy trì tốc độ đọc thích hợp. Việc hứng thú với một thể tài đặc biệt cũng giúp chúng ta hiểu sách tốt hơn và đọc tốt hơn nhiều.

Khi đi học, chúng ta đã từng nghe cụm từ “sợi chỉ đỏ” hoặc “sợi chỉ xanh xuyên suốt” hoặc “tư tưởng chủ đạo”. Tôi dùng hoài, như một con vẹt mà không thực sự hiểu cụm từ này có nghĩa thực sự là gì. Nền giáo dục mà mọi thứ đã có sẵn: văn mẫu, bài giải, thậm chí giáo án của giáo viên cũng có thể lùng sục được, thì chúng ta chỉ cần chép những gì đã ghi ra, là xong và có thể đạt điểm cao. Chính vì thế, khi lớn lên, đọc những tác phẩm, thực sự tôi không tài nào nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của nó. Tôi hoang mang lắm, ngẫm nghĩ mà tủi hờn cho cái danh hiệu học sinh giỏi Văn ngày nào- hư hư thực thực, vàng thau lẫn lộn.

Thực ra, tư tưởng chính chỉ là một ý tưởng nền tảng mà từ đó sách, truyện, tác phẩm được xây dựng thành. Tư tưởng có thể được nói đi nói lại, đến mức người đọc phát ngán thì thôi; như Cha giàu cha nghèo của Robert Kyosaky, hoặc như bài Viết cho newbies này, chẳng hạn. Tư tưởng có thể đã hiển thị ngay trong tựa sách, hoặc nhân vật chính; thể loại này thì nhan nhản như Vô hồn, Tam quốc chí, Mãi mãi tuổi hai mươi, Đừng bao giờ đi ăn một mình. Đây là thể loại phổ biến nhất, vì là công cụ để nhà văn/ nhà viết sách tiếp thị sản phẩm của mình. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà người dùng không cảm được tựa sách mà mua sản phẩm, kể như tác giả- con buôn thất bại. Một số người hoặc tên tuổi đã thành nhân tố để khách mua hàng, thì có một quy luật khác: đặt những cái tựa thật kêu, thật bóng bẩy, hoặc có khi khó hiểu, cũng vì mục đích tiếp thị sản phẩm mà thôi. Đơn cử trong số này có Seth Godin (tác giả tôi yêu) với Con bò màu tím (!), Đàn ông đến từ Sao Hỏa, Đàn bà đến từ Sao Kim, hoặc Bóng đè, hoặc gần đây là Ma chiến hữu. Khi chúng ta cầm một cuốn sách để đọc, cái tựa sẽ nói cho chúng ta gần như trọn vẹn tư tưởng của sách. Anh bạn của tôi được gửi tặng cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình, anh bảo, “không cần đọc, vì cả cuốn sách chỉ có một dòng đấy thôi”. Chỉ cần làm theo, thế là xong! Đúng và sai. Đúng là vì cái tựa sách chính là cái tư tưởng cốt lõi chúng ta cần thấm nhuần, nhưng sẽ có những thứ khác tạm gọi là “tư tưởng nhánh” hoặc “hoa lá cành” giúp chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng chính, hoặc khoan sâu vào nó, hoặc giải thích, hoặc làm cho chúng ta gần gũi và dễ chấp nhận tư tưởng chủ đạo hơn. Ví dụ, Đừng bao giờ đi ăn một mình nói về cách chúng ta kết bạn, vì “Giàu nhờ bạn”, sách chỉ một số cách thức để kết nối và làm giàu cho nhau, đồng thời, cũng ẩn hiện những tuyệt chiêu để trở nên thành công và kết bạn với những người “tai to mặt lớn” mà chúng ta muốn, hoặc chỉ là vài cách giản dị để vui vẻ bên những người bạn bình thường mà chúng ta muốn giữ quan hệ. Nói chung, với tôi, đọc sách như cách chúng ta nấu ăn vậy. Sách chỉ là những nguyên vật liệu như thịt cá trứng gạo, còn cách chúng ta đọc, sử dụng, khai thác thông tin, chuyển hóa thành tri thức, thì là cách chúng ta “nấu” món ăn. Cùng một số nguyên liệu mà những người khác nhau có thể nấu nhiều món ngon dở khác nhau- ấy là do tài năng và sự rèn luyện của họ. Một số đầu bếp chỉ chuyên trị vài món, như bạn của tôi đây, anh ta chỉ đọc sách kiếm hiệp quanh năm suốt tháng, đọc đi đọc lại cả chục trăm lần không chán. Một số đầu bếp thì thích làm việc với đa dạng nguồn thực phẩm và nấu những món khác thường, như tôi chẳng hạn. Chọn đọc như thế nào, là sự lựa chọn của bạn. Nên nhớ: đừng để chết đói hoặc phải ăn mì gói bên cạnh nguồn cao lương mĩ vị chưa được chế biến. Và một mẹo nhỏ: nếu món ăn ngon vì thịt tươi cá sống, thì liệu bạn có muốn nuôi sống trí tuệ mình bằng những món kém phẩm chất bởi sự dễ dãi khi chọn đọc không? Câu trả lời ở phía bạn. Như đã nói, khi còn nhỏ tôi đọc tất cả những gì rơi vào tay. Vì có cuộc sống đa dạng nên tôi thu thập đủ cả từ thượng vàng đến hạ cám kiến thức: đọc từ sách dạy chơi cờ vua thành đại kiện tướng cho đến những quyển sách báo “lao động” như Phụ nữ Ấp Bắc, Công An,… Khỏi phải nói là những tin tội phạm kích thích tôi một cách tự nhiên- bởi bản tính con người là tò mò và dễ bị hấp dẫn bởi những điều giật gân- những kiến thức này về sau tôi được giáo dục tại Thông tấn xã VN. Một điều tôi tự nhận thấy của các thập cẩm sách vở vào tay mình là: trong khi các sách dạy đánh cờ giúp tôi thắng trong lớp học, đạt nhiều giải thưởng cờ Vua các cấp, kể cả hội khỏe Phù Đổng, thì những tin tức cướp của giết người hãm hiếp chỉ giúp giải trí một vài giây lát khi đọc nó. Từ đó, tôi ý thức chọn lọc những thứ để đọc hợp lý hơn, vì càng lớn thì sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của phụ huynh càng bớt đi: tôi có thể mua hoặc đọc trộm sách ở bất kỳ đâu tùy thích. Cũng cần thưa rõ rằng, đoạn văn này không có ý chê bai những tên sách báo nêu trên: mỗi loại sẽ có những độc giả riêng. Chỉ vì tôi không muốn trở thành những người đàn bà sáng sáng mua báo mới rồi sang nhà hàng xóm bàn tán tin tức nóng hổi về những vụ tự tử vì tình, hoặc chiều chiều đón xem các bộ phim truyền hình lê thê rồi sướt mướt theo dõi hành tung của Cô gái xấu xí chỉ hẹn hò và quần áo thay vì phải làm việc; nên tôi không xem báo nữa, và không xem truyền hình nói chung. Chỉ vì tôi mê mẩn cuộc sống đáng ngưỡng mộ của những người giàu có, xa hoa, chủ các công ty lớn, hoặc nổi tiếng cồn cào (của những “tàn dư” mà tuổi nhỏ tôi đã yêu quý) nên từ lâu lắm rồi tôi đã tìm đọc những sách vở “nặng ký” như các Wall Street Journal, The New York Times, Đầu tư, Doanh chủ,… dù thú thật tiếng Anh lõm bõm cộng với thiếu hiểu biết về thuật ngữ chuyên môn, cũng như có sự liên hệ với các công ty được nhắc đến- nên sự việc tôi tuần tuần mua một tờ báo cả trăm ngàn cần mẫn đọc, có lẽ đã làm trò vui cho ông bán báo và các đồng nghiệp của ông. Tôi kệ, chỉ cần biết, mình đang làm một điều đúng đắn và vẫn cứ thế say mê làm. Chỉ cần có một niềm say mê đủ lớn để vượt lên nỗi sợ hãi bị trêu chọc; và chỉ cần niềm say mê đủ lớn để bền bỉ với thời gian, chúng ta nhất định sẽ thành công. Những thực hành đó hóa ra có ích nhiều hơn tôi tưởng. Đầu tiên chúng giúp tôi đọc giỏi tiếng Anh hơn hẳn các bạn trong lớp ngoại ngữ, dù tôi thuộc loại lười học- còn giờ đâu mà học hành chi nữa! Tiếp theo, tôi quen với các bảng biểu và chỉ số, đồng thời đọc hiểu nhanh hơn mức xuất phát điểm của mình. Có lẽ bạn còn nhớ rằng tôi học Bách Khoa, và có thêm cái bằng Ngoại ngữ? Điều đó chưa đủ để làm nên thành công nho nhỏ ngày hôm nay, nếu không cộng thêm vào biết bao khổ ải núp bóng dưới cái lốt “say mê”. Chưa kể điều tuyệt vời nhất, những gì không chủ đích tiếp thu trong những năm tuổi trẻ đã nung nấu trong tôi những mơ ước của thành công đỉnh cao, mà tôi tin mình sẽ nhất định đạt được.

Phương pháp đọc nhanh mà tôi muốn chia sẻ ở đây (kẻo các bạn lại bảo giấu nghề, hihihi) chẳng có gì ngoài 2 việc: thực hành và có phương pháp riêng. Phương pháp đọc nhanh thì có nhiều người đã viết rất hay, nhưng tôi e rằng tôi không đủ giỏi hoặc không theo được họ. Tôi đành tự mày mò ra một cách riêng của mình- cũng may, cách đó tốt cho tôi. Vốn tôi học Báo chí tại Thông tấn xã VN nên được dạy một lần nữa về cấu trúc đoạn văn và bài viết. Có vài định dạng cơ bản của bài viết hoặc đoạn văn như sau: - Dạng hình tháp: thông tin tăng dần theo cấp độ, và những dòng/ đoạn sau cùng là quan trọng nhất, nó tóm tắt lại cả bài. - Dạng hình tháp ngược: Ngược lại của dạng hình tháp, thông tin quan trọng nhất đặt đầu tiên, 50 chữ có thể tóm tắt được toàn bài. - Dạng kết hợp: Dạng này thường được sử dụng, vì vừa đảm bảo được độ hấp dẫn của hình tháp (tăng kịch tính) vừa tóm tắt thông tin để người đọc dễ nắm bắt ngay từ đầu trước khi họ kịp mệt và bỏ cuộc.

Đoạn văn cũng tương tự như bài báo, nó có cấu trúc tương ứng hoặc thu nhỏ: - Dạng diễn dịch: Câu kết luận ở đầu tiên, sau đó nói dông dài ;) - Dạng quy nạp: ngược lại, vòng vo tam quốc, sau đó chốt hạ bằng một câu. - Dạng song hành: Các câu song song với nhau, theo kiểu “chó sủa đoàn người cứ đi”. [IMG] - Dạng móc xích (quên tên rồi): Câu nọ móc vào câu kia như móc xích vậy.

Khi đọc, muốn nhanh thì phải “nắm ý”. Mà để nắm được ý thì phải giỏi ngữ pháp, tức phải biết được dạng của đoạn và bài, từ đó có thể nhảy cóc hoặc tư duy song song hoặc rẽ nhánh trong khi đọc. Học về báo chí đã giúp tôi đọc báo nhanh, và sau này giúp tôi khỏi phải đọc báo VN luôn, cứ coi tiêu đề là coi như xong tờ báo (!), còn học Anh văn thì giúp tôi có từ. Riêng việc luyện TOEFL ngày đêm với nhóm bạn hóa ra lợi hại: có thể tôi không hiểu các từ hoặc biện pháp nghệ thuật, song đoạn văn có nghĩa gì thì tôi cũng hiêu hiểu nghĩa của nó vậy! Từ đó, đọc sách tiếng Anh với tôi đã trở thành thú vui tao nhã, chứ không còn là lội bì bõm trong đống ngột ngạt chữ nghĩa nữa. Năm 2003 tôi được sếp tặng cuốn sách photo của Walmart rất hay, của Sam Walton (bây giờ mới biết là hay!). Sách dày 300 trang, tôi dự định đọc trong một tháng, tức mỗi ngày đọc 10 trang. Nhưng vì tôi đọc chậm quá, lại chả hiểu gì về ngành kinh doanh, chuyên ngành bán lẻ và siêu thị, nên cứ ù ù cạc cạc, hôm nào siêng lắm thì mới đọc được 5 trang, còn lại mỗi ngày đánh vật được vài trang. (Cuốn sách đó hiện giờ tôi vẫn chưa đọc xong, hình hài của nó trở nên thảm hại lắm rồi, ha ha). Năm nay là 2009, tôi có thể đọc được khoảng 30-50 trang trong một giờ với những tài liệu dễ, và khoảng 100-200 trang tiếng Anh một ngày (chừng 3 tiếng đọc ngắt quãng) mà không phải cố sức, đồng thời vừa đọc vừa thưởng thức chứ không phải đọc để … lấy điểm như ngày xưa.

Tôi vẫn thường khuyên các bạn trẻ hãy trau dồi ngoại ngữ, và việc dễ dàng và hứng thú nhất là đọc tài liệu. Hãy lấy năm 2003 của tôi làm mốc, năm đó tôi đã có bằng cử nhân ngoại ngữ, và đã có kinh nghiệm 4-5 năm chuyên về dịch báo, mà đọc còn chậm chạp khó khăn đến như vậy, thì ngày hôm nay các bạn đọc không được như ý muốn thì cũng không vội nản. Hãy cứ từ từ từng bước một, các bạn sẽ thành công như ý muốn. Chỉ cần kiên trì và có kỷ luật với chính mình, các bạn sẽ được tưởng thưởng ngoài mong đợi của mình đấy!

Học, đọc và viết

(Sưu tầm)
Mình post hôm nay một bài viết về chủ đề "Học, đọc và viết" của tác giả với nickname trên mạng là Gaup. Tên thật của anh ngoài đời là Phạm Tuấn Anh. Cách đây nhiều năm, anh từng tặng thư viện Usguide một số quyển sách về viết tiếng Anh. Được viết vào năm 2001, bài viết này khá phổ biến trong các bạn học sinh trường Ams có ý tưởng muốn đi du học. Cá nhân mình thấy cách tiếp cận của tác giả về chuyện cách học và cách đọc dành cho chuyện học ngoại ngữ khá tốt. Nói đơn giản, để có thể đi được, chúng ta cũng cần tập bò tương đối đã, có nghĩa là đọc tương đối để có khối lượng từ, ngữ pháp và cách hành văn để viết. Và với các bạn trẻ đang hình thành vối trí tuệ, các bạn nên học và đọc càng nhiều càng tốt. Tất nhiên, để có kiến thức thực sự hay wisdom, đọc và đọc nhiều chưa đủ và còn phải suy niệm và "tư duy tích cực" nữa. Nhưng ở bước đầu, việc tiếp thu thật nhiều kiến thức là tối cần thiết. Chúc các bạn một hành trình học đọc vui vẻ.

HỌC, ĐỌC, VIẾT NHƯ THẾ NÀO?

Khi ở Hà Nội, tôi thường lên Thư viện Quốc gia ở Tràng Thi để làm việc. Nói là để làm việc cho oai, nhưng thực ra là còn nhiều lý do khác nữa. Một trong những lý do đấy là để nói chuyện với các bạn khác lên học ở thư viện. Từ thời tôi còn đi học đại học đến nay cũng được vài năm rồi nên so với các bạn sinh viên vẫn lên thư viện để học hành chuẩn bị cho thi cử tôi bây giờ là thế hệ anh lớn. Anh lớn mà lại có chút thành đạt thì hay được các em hỏi han về kinh nghiệm học hành thi cử. Cả kinh nghiệm và thành đạt của tôi, như nhiều người quen tôi đều biết, gắn liến với việc thành công trong việc học tiếng Anh rồi sử dụng tiếng Anh để đạt được các mục tiêu thiết thực khác. Các bạn sinh viên bây giờ quan tâm đến việc chuẩn bị để đi học ở nước ngoài nhiều hơn thời tôi còn đi học. Điều này cũng dễ hiểu. Ngày xưa, xin được học bổng đi học nước ngoài là một ý định mà thành công phụ thuộc nhiều vào may rủi và hoàn cảnh. Ngày nay, vai trò của may rủi và hoàn cảnh không còn nặng nề như thời trước. Có ý định, bạn sinh viên sẽ cần có thêm ý chí, quyết tâm và đường đi nước bước dần dần sẽ tự mở ra trước mặt. Việc có được học bổng tuy thế lại mới chỉ là một nửa thành công, nửa kia phụ thuộc vào việc bạn sẽ học như thế nào khi ở nước ngoài. Điều này, các bạn đã đi học như tôi đều hiểu là rất quan trọng. Việc học bằng ngoại ngữ trong một môi trường học vấn khác cơ bản môi trường học ở Việt Nam là một trong những trở ngại làm nhiều sinh viên Việt Nam học giỏi chưa phát huy được hết trình độ và khả năng của mình. Một vài lời khuyên từ những người đi trước sẽ có ích cho bạn. Tôi viết bài viết này với ý định cung cấp cho các bạn đi sau một vài lời khuyên về việc học, đọc, viết bằng tiếng Anh đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của tôi. Tôi hạn chế việc áp dụng những lời khuyên này trong môi trường đại học ở Mỹ, là môi trường duy nhất ngoài Việt Nam mà tôi biết đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của phần lớn các bạn. Những gì tôi viết ra tôi đã từng nói hay nghĩ những lúc “trà đá, kẹo lạc” với các bạn ở Thư Viện Quốc Gia Hà Nội. Tôi tổng kết lại ở đây để các bạn đọc và chúc các bạn gặp nhiều may mắn trong con đường học tập của mình.

 HỌC
1. Học như thế nào?
Như nhiều bạn quen đều biết, hiện nay (9/2001) tôi đang làm việc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Xem xét dưới góc độ những vui buồn lịch sử, thì Bắc Kinh là một trong những địa điểm có thể để lại cho một người Việt Nam nhiều suy nghĩ về quá khứ và sự ràng buộc của nó với hiện tại. Có thể nhiều bạn không đồng ý với tôi nhưng sau một thời gian sống ở Bắc Kinh và làm bạn với nhiều người Trung Quốc, ấn tượng của riêng tôi là Trung Quốc với Việt Nam giống nhau nhiều quá. Khi người ta nói hai địa điểm, hai quốc gia giống nhau, thông thường người ta chỉ so sánh những điểm tương đồng địa lý, ví dụ như khi nói Li Băng là Thụy Sỹ của Trung Đông là người ta so sánh đồi núi trập trùng và băng tuyết. Điểm tương đồng của Việt Nam với Trung Quốc tuy thế lại không hạn chế về mặt địa lý mà là về tổng thể con người (human landscape.)
Tôi sẽ bỏ qua không nói đến những nét tốt nét xấu trong tương quan so sánh tưởng như dĩ nhiên này mà chỉ tập trung nói về cách học của những người trẻ tuổi ở cả hai nước. Bất kể việc quan hệ Việt-Trung có một thời gian gần đây băng giá kéo dài, quan niệm về việc học (như thế nào, cái gì, khi nào, ở đâu) của thanh niên hai nước gần như là dập khuôn của nhau. Điều này, như các bạn có thể đã nghĩ trước một bước và nhận ra trước khi tôi kịp nói, có nguồn gốc từ những tương đồng văn hóa sâu sắc và lâu dài.
Những điểm tương đồng này phần nhiều đều bắt nguồn từ hệ tư tưởng và học vấn Nho Giáo mà hai nước chia xẻ. Đối với Việt Nam, ban đầu là bị ép buộc phải chấp nhận nó, về sau chúng ta đã yêu thương nó thái quá và biến nó thành của mình. Tư tưởng Nho giáo Việt Nam tuy có những khác biệt mang tính địa phương nhưng về tổng quan lại song hành từng bước một với cái gốc của nó là Nho giáo Trung Quốc.
Ngày xưa khi thế giới quan của chúng ta chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đáng kể, các cụ chúng ta làm thơ hay viết văn vẫn dùng điển cố Trung Quốc; từ cách hành văn, chấm bài, phạt phạm quy phạm húy đến cách mài mực, phạt học trò và vô số các thứ khác nữa mà các bạn có thể tự tìm ra đều trích ngang từ cách làm Trung Quốc. Do những tương đồng xã hội và chính trị thủa xa xưa, động cơ và phương pháp học, dù đặt ra bởi người dạy hay người học, ở Việt Nam hay Trung Quốc cũng giống nhau nốt. Tôi liệt kê ra một vài điểm thế này:
 Học tập là con đường tiến thân duy nhất (nếu không…biết võ)
 Hành lễ quan trọng hơn kiến thức
 Văn chương quan trọng hơn toán pháp
 Chú trọng khả năng ghi nhớ
 Áp đặt trong khuôn khổ
Chí ít là khi còn ở trong nước, hậu quả của những đặc điểm trên đối với việc học của chúng ta là:
 Chúng ta học để tiến thân hơn là để có kiến thức
 Chúng ta đặt hòa thuận lên trên tranh luận để tìm ra sự thật
 Chúng ta coi trọng lý thuyết hơn là ứng dụng và thực hành
 Mặc dù rất nhanh nhạy trong việc bắt lấy những thứ mới, về bản tính chúng ta thích dùng những thứ có sẵn, quen thuộc hơn là suy nghĩ tạo ra những thứ mới.
 Chúng ta xuất sắc trong việc làm theo và quy tắc hóa những thứ có sẵn.
Tôi đã nghe nhiều bạn Trung Quốc và Việt Nam khoe rất mãn nguyện là mấy năm sau khi học xong đại học họ chưa đọc một quyển sách nào cả. Đây là ví dụ về việc học để tiến thân. Kiến thức chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.
Trong các mailing list của người Việt, việc tranh cãi thường bị phe quản trị diệt luôn khi nó vừa xuất hiện với lý do làm mất đoàn kết. Tranh cãi tất nhiên có nhiều loại. Có những thứ thật sự là vô ích, nhưng phần lớn đều để tìm ra một câu trả lời đúng. Nếu chỉ vì đoàn kết mà không chịu tìm ra câu trả lời đúng thì dắt tay nhau trong bóng tối phỏng có lợi ích gì? Đây chính là lý do mà phương pháp học theo kiểu thảo luận lớp chưa có được chỗ đứng trong học đường cả ở Việt Nam cả ở Trung Quốc.
Nếu kiến thức chỉ là phương tiện thì miễn là nó đưa được mình đến chỗ mình cần đến là xong bất kể nó là kiến thức loại gì hay ai đặt ra. Nếu nhà trường đề ra 10 môn học cụ thể cho một năm học thì không cần biết mình có cần những kiến thức đó không, cứ học và thi cho qua là được. Đây là lý do mà nhiều bạn học đại học ở Việt Nam và Trung Quốc hay quên kiến thức chuyên môn ngay khi khóa học vừa xong. Cảm giác xúc động vì có thêm kiến thức chỉ vì nó là kiến thức đối với chúng ta khá là xa lạ.
Đã quen sống trong khuôn khổ, chúng ta sợ những vùng đất mới, sợ khám phá, sợ bị lên án là ngược đời, kiêu căng, tập tọng đòi hơn người. Trí sáng tạo vì thế bị suy giảm, sự ù lì nhờ đó tăng lên. Trong những bão táp của thế sự xoay vần, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam hay Trung Quốc không khác mấy một ngọn nến lắt lay trong gió. Đã biết là đại học không chuẩn bị cho họ để đứng vững và có đủ tự tin nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn hy vọng là kinh nghiệm thực tế từ nay có thể thay cho kiến thức. Nếu có học thêm cũng chỉ là để vượt vũ môn lần nữa. Nếu có sáng tạo ra gì cũng chỉ để tiến thân cao hơn. Người Trung Quốc rất giỏi trong việc sản xuất hàng loạt nhưng không giỏi trong việc chế tác hoặc nếu có cũng là những thứ không thực dụng. Ở Bắc Kinh, tôi có lần mua một cái phone card. Cái đồ dùng vài lần rồi bỏ này rõ ràng là không cần phải hoa mỹ làm gì, chỉ cần một mảnh giấy con cũng là đủ thế mà tôi nhận được một thanh plastic dầy khoảng 3mm, có một dãy đèn ở trên và hai nút bấm mà nếu bấm vào thì sẽ có tiếng điện thoại kêu nhiều kiểu lạ tai. Thử tính xem bao nhiêu nguồn lực vật chất (pin, đèn, nhựa) và tâm lực đã bị phí phạm vào việc sản xuất thứ đồ quái gở này.
Ví dụ về việc quy tắc hóa mọi thứ là về việc các bạn Trung Quốc đi thi các bài thi tiêu chuẩn như TOEFL, GRE, GMAT, vv. Như các bạn đều biết, sinh viên Trung Quốc luôn đứng hàng đầu trong các kỳ thi này, vượt qua cả người Mỹ bản xứ là nơi sản sinh ra loại hình thi cử này. Nhìn kết quả, ta nghĩ ngay là người Trung Quốc phải giỏi toán, lý luận và cả tiếng Anh hơn người Mỹ. Nếu không thế thì chẳng có lý nào họ lại được điểm cao như thế?
Tôi đã gặp với một người bạn của một người bạn Trung Quốc, nổi tiếng vì thi TOEFL, GRE, GMAT đều đạt điểm gần tuyệt đối. Tôi rất thất vọng vì anh này khi viết tiếng Anh trong email thì trình độ chỉ như trẻ con lớp năm bên Mỹ, đến lúc trực diện thì còn thất vọng hơn vì nói tiếng Anh chẳng câu nào ra câu nào, văn phạm thì còn có thể chấp nhận được nhưng cách sắp xếp lộn xộn các ý tưởng thì rất khó bỏ qua. Kết luận của tôi là anh này trí nhớ và khả năng tuân thủ và tạo mới quy tắc đều rất tốt nhưng ngoài những thứ này ra thì chẳng còn gì hơn.
Sinh viên Trung Quốc có những người cả đời chưa đọc một quyển sách tiếng Anh nào, chưa tiếp xúc với một người bản xứ nào và chỉ học tiếng Anh theo kiểu các quy tắc từ sách vở của người Trung Quốc soạn cho người Trung Quốc học, ví dụ một quyển tên là “5.000 mẫu câu tiếng Anh.” Cách học của những sinh viên “xuất sắc” là nhớ cho kỳ hết 5.000 mẫu câu trên, và mỗi câu lại được họ biến thành một quy tắc máy móc riêng biệt phải có bằng đấy từ, bằng đấy dấu chấm dấu phẩy. Lần sau khi nhìn thấy câu đấy hay tương tự thế thì họ nhận ra ngay, nhưng bảo họ tự viết ra một câu kiểu như thế thì họ thường rất lúng túng. Lúng túng cũng là phải, bây giờ biết lấy quy tắc nào để ghép vào quy tắc nào nếu các từ họ biết đều được biến thành những quy tắc riêng biệt.
+++ Vậy cách học nên phải thế nào để có hiệu quả nhất. Nếu đã đọc qua phần trên và hiểu giống như tôi hiểu, tôi mong các bạn nhớ giúp một vài điểm chính sau đây, sẽ có lợi cho việc học ở Mỹ: 
 Hãy học vì kiến thức. Hãy chọn những thứ mình muốn học, đừng chọn những thứ mình nghĩ sẽ làm mình có giá hơn trong mắt mọi người về sau. Nếu quan tâm đến ruồi trâu, cào cào, châu chấu, hãy cố đọc và học cho thật giỏi về những thứ tưởng như vô ích này. Nếu bạn thật giỏi, ở Mỹ sẽ có chỗ cho bạn học sâu hơn.
 Đừng bao giờ bê trễ việc có thêm kiến thức và hiểu biết. Học tập phải là một quá trình cả đời, không chỉ kết thúc khi học xong đại học mà thục ra chỉ mới bắt đầu khi đó.
 Nếu không hài lòng với một vấn đề kiến thức nào đó, hãy tìm chỗ để tham khảo và tìm ra câu trả lời đúng. Hãy tranh luận và tranh cãi, lục tìm và gạt bỏ. Đừng sợ mất bạn bè, mất thể diện, mất sự ưu ái của ai hết. Nếu bạn có trong tay sự thật, những thứ bạn có được nhờ nó sẽ có ích cho bạn hơn những thứ bạn phải mất để có nó.
 Đừng mất thời gian làm tốt hơn những thứ đã sẵn có, hãy thử tạo ra những thứ mới. Kể cả nếu bạn thất bại, thất bại của bạn sẽ là mẹ đẻ của một hay nhiều thành công khác. Công lao này cũng có phần to lớn của bạn. Hãy thử nghĩ đã biết bao nhiều uống dấm thanh ăn lá ngón để chúng ta biết mấy thứ đó là độc. Nhờ có thất bại của những người đi trước, chúng ta mới có kiến thức của ngày hôm nay.  Hãy nhìn mọi thứ bằng con mắt động (Lời Lênin.) Hãy luôn cố mở rộng hệ quy tắc chuẩn của mình bằng cách thêm vào những quy tắc mới hay đưa những hiện tượng mới vào làm giầu thêm các quy tắc cũ. Luôn tìm cách áp dụng những quy tắc mình biết vào những hiện tượng mới, nếu được hãy tạo ra những hiện tượng mới nhờ những quy tắc đã có. Nói ngắn gọn là chú tâm vào thực hành và ứng dụng.
 Nếu bạn coi kiến thức là quan trọng nhất, hãy có được thật nhiều cho mình rồi chia xẻ với người khác. Hãy học cho cả những người khác nữa. ===

2. Học cái gì? Nếu đã hiểu cần phải học thế nào, thì việc học cái gì không còn quan trọng lắm. Nói là thế nhưng có một vài môn học ở ta hiện chưa có dạy hoặc chưa được học đúng cách nhưng nếu các bạn có thể đọc, học, hiểu trước khi đến học ở Mỹ cũng sẽ có lợi. Nói thế không có nghĩa bạn sẽ không thành công nếu bạn không có hiểu biết về chúng.
 Triết học
 Logic học
 Lịch sử và đặc điểm xã hội Mỹ
 Lịch sử và các hình thái kinh tế xã hội thế giới
 Lịch sử và phát triển của các tôn giáo chính Tuy mỗi bạn sẽ học một ngành khác nhau, hiểu biết về các môn nói trên là những hiểu biết chung mà các sinh viên Mỹ giỏi bất kỳ ngành nào ít nhiều cũng đều có biết. Nếu bạn cũng hiểu, cũng biết và lại giỏi nữa thì vị trí của bạn trong số bạn cùng học sẽ được đề cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập môn chuyên môn của bạn. Triết học: Triết học không phải là môn phổ biến ở Mỹ nhưng là môn được đề cao đúng mức. Hiểu biết và năng lực tư duy triết học cũng được trầm trồ như khả năng nói đọc viết nhiều ngoại ngữ ở Việt Nam. Sự thán phục này tuy vậy lại là một sự thán phục kín đáo và gián tiếp. Kín đáo ở chỗ người ta sẽ không nhất thiết phải khen ngợi bạn hẳn ra ngoài, và gián tiếp ở chỗ người ta sẽ không khen bạn về kiến thức triết học cụ thể. Hiểu biết về triết học, đặc biệt là triết học phương Tây của bạn gợi ý cho người ta về khả năng tư duy tổng hợp, sự đọc rộng và sâu của bạn. Lợi ích của việc những người xung quanh thán phục năng lực cá nhân của bạn thiết tưởng không cần phải diễn giải nhiều ở đây. Cố gắng đọc chút ít về triết học Hy Lạp cổ, các trường phái Đức và Áo cận hiện đại. Một cuốn sách có thể giúp bạn quen mặt biết tên và nắm được những ý tưởng chính về triết học xưa nay là cuốn Sophie’s World của một tác giả Na-uy tôi không nhớ tên nhưng bạn có thể tìm dễ dàng trên các website bán sách.
Lý do triết học được coi trọng như đã nói ở trên là vì nó gắn liền với khả năng tư biện của bạn. Muốn tư biện giỏi chắc chắn phải có hiểu biết về logic. Nhiều bạn Việt Nam đã học toán logic ở đại học nhưng lại không được học cụ thể các cách áp dụng vào thực tế như thế nào. Môi trường đại học và khoa học Mỹ đặt tầm quan trọng lớn vào khả năng nghiên cứu độc lập của bạn mà điều này đòi hỏi bạn phải hiều và có thể tự sửa lỗi. Các quy tắc logic được thiết lập từ lâu nay giúp bạn không mắc những lỗi sai trong tư duy và nghiên cứu, đặc biệt trong những ngành không sử dụng nhiều con số để có thể kiểm tra bằng các phương pháp toán học thông thường. Logic còn giúp bạn nhiều trong thảo luận trên lớp cũng như trong các quan hệ xã hội và ra quyết định cuộc sống hàng ngày ở một môi trường coi trọng cá nhân và tính độc lập tự chủ.
Ba môn về sau giúp bạn có hiểu biết về Mỹ nói riêng và thế giới nói chung và cùng với môn chuyên ngành của bạn giúp bạn có một vốn kiến thức rộng và đầy đủ. Như bạn biết xã hội Mỹ được dựng lên trên những nguyên tắc cụ thể và những nguyên tắc này đến bây giờ vẫn là những nguyên tắc chi phối mọi mặt đời sống Mỹ. Hiểu biết lịch sử và các đặc điểm xã hội của Mỹ giúp bạn né tránh được những hậu quả của shock văn hóa và nhờ vậy bạn có thể bình tĩnh để chú tâm vào học chuyên môn được tốt hơn. Ngoài ra, trong một môi trường quốc tế, đa văn hóa, đa tôn giáo như môi trường đại học Mỹ, có hiểu biết về các nền văn hóa và các tôn giáo khác trên thế giới giúp bạn có được sự rộng lượng, tự tin, cởi mở với người khác cũng như tránh được tâm lý tự ty nhược tiểu của bản thân mình. Tất cả những điều này đều có ích cho việc học, học sâu và học cao hơn, của bạn.
Trước khi tôi chuyển sang phần sau, tôi muốn nói một lần nữa để bạn hiểu là các hiểu biết nêu trên không phải là bắt buộc khi đến Mỹ học. Chúng chỉ giúp đặt bạn vào giữa những thành viên xuất sắc nhất của trường học, giúp bạn nhiều thuận lợi trong việc theo đuổi học vấn. Có được kiến thức đòi hỏi phải có thời gian nhưng nếu ngay từ giờ bạn có ý tìm tòi và nghiên cứu, đọc học thêm thì một vài năm nữa khi đến Mỹ bạn sẽ nhận được ngay những lợi ích mà tôi đề cập ở trên. oOo