Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Chép từ blog khác về ảnh vệ tinh

ẢNH VỆ TINH LANDSAT 8 PHỤC VỤ HIỆN CHỈNH BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH TỶ LỆ 1:250.000 VÀ NHỎ HƠN



Tóm tắt: Việc tìm kiếm và khai thác các lợi ích từ nguồn tư liệu viễn thám nói chung và ảnh vệ tinh Landsat nói riêng có một vai trò rất quan trọng đối với các nhiệm vụ của cơ quan đo đạc bản đồ. Bài báo đề cập các đặc tính kỹ thuật của ảnh vệ tinh Landsat 8, phương pháp tổ hợp màu và khả năng ứng dụng thực tiễn của nó phục vụ công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình tỉ lệ 1:250.000 và nhỏ hơn.
1. Giới thiệu ảnh vệ tinh Landsat 8
Vệ tinh thế hệ thứ 8 - Landsat 8 đã được Mỹ phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 11/02/2013 với tên gọi gốc Landsat Data Continuity Mission (LDCM). Đây là dự án hợp tác giữa NASA và cơ quan Đo đạc Địa chất Mỹ. Landsat sẽ tiếp tục cung cấp các ảnh có độ phân giải trung bình (từ 15 - 100 mét), phủ kín ở các vùng cực cũng như những vùng địa hình khác nhau trên trái đất. Nhiệm vụ của Landsat 8 là cung cấp những thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực như quản lý năng lượng và nước, theo dõi rừng, giám sát tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị, khắc phục thảm họa và lĩnh vực nông nghiệp [3].


Hình 1. Vệ tinh LDCM (Landsat 8)

Landsat 8 (LDCM) mang theo 2 bộ cảm: bộ thu nhận ảnh mặt đất (OLI - Operational Land Imager) và bộ cảm biến hồng ngoại nhiệt (TIRS - Thermal Infrared Sensor). Những bộ cảm này được thiết kế để cải thiện hiệu suất và độ tin cậy cao hơn so với các bộ cảm Landsat thế hệ trước. Landsat 8 thu nhận ảnh với tổng số 11 kênh phổ, bao gồm 9 kênh sóng ngắn và 2 kênh nhiệt sóng dài xem chi tiết ở Bảng 1. Hai bộ cảm này sẽ cung cấp chi tiết bề mặt Trái Đất theo mùa ở độ phân giải không gian 30 mét (ở các kênh nhìn thấy, cận hồng ngoại, và hồng ngoại sóng ngắn); 100 mét ở kênh nhiệt và 15 mét đối với kênh toàn sắc. Dải quét của LDCM giới hạn trong khoảng 185 km x 180 km. Độ cao vệ tinh đạt 705 km so với bề mặt trái đất. Bộ cảm OLI cung cấp hai kênh phổ mới, Kênh 1 dùng để quan trắc biến động chất lượng nước vùng ven bờ và Kênh 9 dùng để phát hiện các mật độ dày, mỏng của đám mây ti (có ý nghĩa đối với khí tượng học), trong khi đó bộ cảm TIRS sẽ thu thập dữ liệu ở hai kênh hồng ngoại nhiệt sóng dài (kênh 10 và 11) dùng để đo tốc độ bốc hơi nước, nhiệt độ bề mặt. Bộ cảm OLI và TIRS đã được thiết kế cải tiến để giảm thiểu tối đa nhiễu khí quyển (SNR), cho phép lượng tử hóa dữ liệu là 12 bit nên chất lượng hình ảnh tăng lên so với phiên bản trước [1].
Bảng 1: Đặc trưng Bộ cảm của ảnh vệ tinh Landsat 7 và Landsat 8 (LDCM) [3]

Vệ tinh
Kênh
Bước sóng
(micrometers)
Độ phân giải
(meters)
Landsat 7
(Bộ cảm ETM+)
Band 1
0.45-0.52
30
Band 2
0.52-0.60
30
Band 3
0.63-0.69
30
Band 4
0.77-0.90
30
Band 5
1.55-1.75
30
Band 6
10.40-12.50
60 (30)
Band 7
2.09-2.35
30
Band 8
0.52-0.90
15
LDCM – Landsat 8
(Bộ cảm OLI và TIRs)

Band 1 - Coastal aerosol
0.433 - 0.453
30
Band 2 - Blue
0.450 - 0.515
30
Band 3 - Green
0.525 - 0.600
30
Band 4 - Red
0.630 - 0.680
30
Band 5 - Near Infrared (NIR)
0.845 - 0.885
30
Band 6 - SWIR 1
1.560 - 1.660
30
Band 7 - SWIR 2
2.100 - 2.300
30
Band 8 - Panchromatic
0.500 - 0.680
15
Band 9 - Cirrus
1.360 - 1.390
30
Band 10 - Thermal Infrared (TIR) 1
10.3 - 11.3
100
Band 11 - Thermal Infrared (TIR) 2
11.5 - 12.5
100
           
Đồ thị phân bố các kênh phổ trên dải sóng điện từ của ảnh vệ tinh Landsat 7 và 8 được thể hiện Hình 2 dưới đây.


Hình 2. Đồ thị đặc trưng phổ của ảnh vệ tinh Landsat 7 và Landsat 8 [3]

 

Các thông số kỹ thuật của sản phẩm ảnh vệ tinh Landsat 8 như sau:
§        Loại sản phẩm: đã được xử lý ở mức 1T nghĩa là đã cải chính biến dạng do chênh cao địa hình (mức trực ảnh Orthophoto);
§        Định dạng: GeoTIFF;
§        Kích thước Pixel: 15m/30m/100m tương ứng ảnh Đen trắng Pan/Đa phổ/Nhiệt
§        Phép chiếu bản đồ: UTM;
§        Hệ tọa độ: WGS 84;
§        Định hướng: theo Bắc của bản đồ;
§        Phương pháp lấy mẫu: hàm bậc 3;
§        Độ chính xác: với bộ cảm OLI đạt sai số 12m theo tiêu chuẩn CE, có độ tin cậy 90%; với bộ cảm TIRS đạt sai số 41m theo tiêu chuẩn CE, có độ tin cậy 90%;
§        Dữ liệu ảnh: có giá trị 16 bit pixel, khi tải về ở dạng file nén có định dạng là .tar.gz. Kích thước file nếu ở dạng nén khoảng 1GB, còn ở dạng không nén khoảng 2GB.
Landsat 8 thu nhận xấp xỉ 400 cảnh/ngày, tăng 250 cảnh/ngày so với Landsat 7. Thời gian hoạt động của vệ tinh theo thiết kế là 5,25 năm nhưng nó được cung cấp đủ năng lượng để có thể kéo dài hoạt động đến 10 năm. So với Landsat 7, Landsat 8 có cùng độ rộng dải chụp, cùng độ phân giải ảnh và chu kỳ lặp lại 16 ngày.
Hiện nay, ảnh vệ tinh Landsat 8 hoàn toàn có thể khai thác miễn phí từ mạng Internet qua địa chỉ http://earthexplorer.usgs.gov/. Ví dụ khi tải một cảnh có phiên hiệu hàng cột là 127-046 về, sẽ nhận được file nén có tên là “LC81270462013352LGN00.tar.gz” với dung lượng khoảng 960MB và giải nén sẽ sinh ra 13 file, trong đó 11 file có đuôi được đánh số từ B1 đến B11 tương ứng với 11 kênh phổ của ảnh Landsat 8, kèm theo 01 file báo cáo đánh giá chất lượng có đuôi tên là BQA và 01 file siêu dữ liệu dạng txt chứa các thông tin về thời gian chụp ảnh và tọa độ các góc của cảnh ảnh.

Hình 3. Dữ liệu giải nén của cảnh ảnh 127-046 Landsat 8
2. Tiềm năng sử dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 trong công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 và nhỏ hơn
Qui trình công nghệ sử dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 trong công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình, được trình bày ở hình 4 dưới đây:






2.1 Tải ảnh
            Trong năm 2013, nhóm nghiên cứu đã tải được 41 cảnh ảnh vệ tinh Landsat 8 từ mạng Internet, phủ kín lãnh thổ Việt Nam. Chất lượng ảnh khá tốt, với độ phủ mây dưới 10% đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật để thực hiện công tác hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình các tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1 triệu. Nguồn tư liệu ảnh này đã được kịp thời đưa vào sử dụng để tái bản, hiện chỉnh bản đồ địa hình theo kế hoạch năm 2014.

2.2 Tổ hợp màu
            Để thuận tiện cho người dùng trong công tác lựa chọn các phương pháp tổ hợp màu đối với ảnh vệ tinh Landsat 8, chúng tôi đưa ra Bảng tham chiếu chuyển đổi hệ màu giữa ảnh Landsat 5, 7 và Landsat 8 như sau:

Bảng 2: Bảng Tham chiếu chuyển đổi hệ tổ hợp màu giữa ảnh Landsat 7 và 8

Mẫu ảnh 
Phương pháp tổ hợp 
Landsat 7
Landsat 5
Landsat 8
Color Infrared: Màu hồng ngoại (thực vật)
4, 3, 2
5,4,3
Natural Color: Màu tự nhiên
3, 2, 1
4,3,2
False Color: Giả màu phân tích thực vật
5,4,3
6,5,4
False Color: Giả màu (đô thị)
7,5,3
7,6,4
False Color: Giả màu (màu tự nhiên với sự thâm nhập khí quyển)
7,4,2
7,5,3

Tùy thuộc vào đối tượng cần quan tâm, khi sử dụng ảnh Landsat 8 có thể dựa vào Bảng chỉ dẫn các phương pháp tổ hợp màu sau để lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải đoán ảnh:
Bảng 3: Bảng chỉ dẫn Tổ hợp màu cho ảnh vệ tinh Landsat 8
STT
Phương pháp tổ hợp màu
Gán kênh phổ
R-G-B
Đặc tả kỹ thuật
1
Màu tự nhiên
4 3 2
Tạo ra ảnh có màu sắc tự nhiên khá gần gũi với cảm nhận của mắt người. Với tổ hợp này có thể nhận biết ở mức khái quát hệ thống thuỷ văn có qui mô lớn, các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm dân cư đô thị. Tuy nhiên khi giải đoán chi tiết các đối tượng như ao hồ, kênh mương nhỏ, các trục đường giao thông nhánh, các yếu tố thực phủ thì rất khó phân biệt và dễ nhầm lẫn. Phương pháp tổ hợp này chủ yếu được sử dụng in ấn hoặc tạo lớp nền ảnh tự nhiên khi xây dựng CSDL bản đồ chuyên đề.
2
Màu giả
(Đô thị)
7 6 4
Làm nổi bật các khu vực đô thị, khu đông dân cư với tông màu vàng sẫm hoặc có gam màu ánh hồng. Các yếu tố thủy văn nhận biết rất rõ với màu đen hoặc màu xanh nước biển (blue).
3
Hồng ngoại (Thực vật)
5 4 3
Dùng để nhận biết và khoanh chính xác các vùng thực vật. Thảm thực vật có tông màu từ đỏ nhạt (gạch non) đến đỏ sẫm (đỏ gạch cua). Với màu đỏ sẫm đăc trưng cho vùng thực vật có lá già, còn màu đỏ tươi là vùng thực vật có lá non. 
 4
Nông nghiệp
6 5 2
Dùng để nhận biết các vùng đất canh tác nông nghiệp. Đất trống, đất trồng màu, đất trồng lúa có tông màu nâu. Khu vực đô thị có màu ánh tím. Thực vật có màu xanh lá cây. Thủy văn có màu đen và màu xanh nước biển.
5
Thẩm thấu khí quyển
7 6 5
Dùng trong trường hợp ảnh chụp bị lớp sương mù, khó nhận biết chi tiết đối tượng. Ở tổ hợp màu này, các yếu tố thủy văn có màu đen và thể hiện rất rõ trên ảnh.
6
Sức khỏe thực vật
5 6 2
Dùng để nhận biết tình trạng sức khỏe của thực vật bằng dải tông màu vàng nhạt đến vàng nâu sẫm.
7
Đất/Nước
5 6 4
Tổ hợp này khá gần gũi với tổ hợp (5 6 2) dùng để phân biệt rõ giữa yếu tố đất và nước bằng màu vàng nâu và màu xanh nước biển.
8
Màu tự nhiênvới sự thâm nhập khí quyển
7 5 3
Dùng để loại tối đa ảnh hưởng nhiễu môi trường khí quyển. Phương pháp này gần giống với tổ hợp (6 5 4). Với tổ hợp (7 5 3) màu của yếu tố thực vật có màu xanh lá cây, còn tổ hợp (6 5 4) thực vật sẽ có màu xanh ngả vàng.
9
Hồng ngoại sóng ngắn
7 5 4
Phương pháp này khá tương đồng với tổ hợp (7 5 3) và không có sự khác biệt nếu chỉ quan sát bằng mắt thường.
10
Phân tích thực vật
6 5 4
Phương pháp này cho kết quả màu sắc đẹp, rõ nét làm nổi bật được 2 nhóm lớp thuỷ hệ và thực vật; có thể nhận biết chính xác yếu tố mặt nước bằng màu xanh nước biển hoặc đen; phân biệt rõ được ranh giới các vùng rừng già, rừng non mới trồng, vùng đất trồng lúa, trồng màu bằng màu xanh lá cây đậm và nhạt; các vùng đất trống hay khu đô thị có màu hồng và màu tím. So với tổ hợp màu hồng ngoại, phương pháp này có hiệu quả hơn trong việc giải đoán các đối tượng thuộc nhóm lớp thuỷ hệ và thực vật bởi vì màu sắc khá tương đồng với cảm nhận của mắt người.

Như vậy, ngoài phương pháp tổ hợp màu tự nhiên còn có rất nhiều phương pháp tổ hợp màu khác nhau để có thể nhận biết chính xác các đối tượng bằng mắt thường. Thực tế sản xuất chỉnh lý, hiện chỉnh bản đồ bằng ảnh vệ tinh vẫn đang áp dụng duy nhất phương pháp tổ hợp màu tự nhiên (4-3-2) phục vụ công tác giải đoán. Điều này gây không ít khó khăn cho các tác nghiệp viên và đã dẫn đến một số kết quả giải đoán nhầm lẫn chẳng hạn: kênh mương thành đường, ao hồ thành thảm thực vật... Như vậy, theo cách làm hiện nay, chúng ta đã bỏ qua rất nhiều các kênh phổ hữu ích khác của ảnh vệ tinh. Với các phương pháp tổ hợp màu giới thiệu ở trên, chúng ta cần thay đổi nhận thức, chủ động áp dụng phương pháp bổ trợ bằng các dạng tổ hợp màu khác nhau nhằm nâng cao chất lượng công tác giải đoán ảnh.
Landsat 8 có số lượng kênh phổ nhiều hơn các thế hệ vệ tinh trước nên số lượng ảnh tổ hợp màu nhiều hơn đáng kể. Điều này cho phép tăng khả năng phân biệt giữa các đối tượng khi sử dụng nhiều tổ hợp màu. Bên cạnh đó, dữ liệu các kênh phổ ở 12 bít nên cho phép phân biệt các đối tượng tốt hơn khi sử dụng ảnh chụp 8 bít ở các thế hệ trước.
            Dựa trên nguyên lý tổ hợp màu cơ bản của ảnh vệ tinh Landsat 8, đối với công tác chỉnh lý, hiện chỉnh bản đồ nên lựa chọn các mẫu tổ hợp màu cơ bản sau:


 


 
Hình 5. Tổ hợp màu   a) RGB = 432 (tự nhiên)             b) RGB = 764 (đô thị)
                                    c) RGB = 543 (hồng ngoại)      d) RGB = 652 (nông nghiệp)
e) RGB = 564 (đất/nước)         f) RGB = 654 (thực vật)
2.3 Tăng cường chất lượng ảnh
            Ảnh Landsat tổ hợp màu có độ phân giải 30m. Kết hợp ảnh toàn sắc Kênh 8 (có độ phân giải là 15m) với các ảnh tổ hợp màu tạo ra ảnh tăng cường vừa có độ phân giải cao của ảnh toàn sắc, vừa có màu sắc trực quan của ảnh tổ hợp màu. Xử lý phổ bằng các phương pháp dãn tuyến tính, điều chỉnh tương tác, đảm bảo chất lượng hình ảnh rõ nét, độ tương phản trung bình, không thiếu màu. Các phần mềm Envi, Erdas cho phép dễ dàng tạo ra các ảnh tăng cường.
2.4 Chuyển đổi về hệ tọa độ VN-2000
            Ảnh Landsat 8 miễn phí đều đã được xử lý ở mức trực ảnh (tương đương mức 3 đối với ảnh SPOT) nghĩa là đã cải chính biến dạng bởi chênh cao địa hình và được đăng ký trong hệ tọa độ WGS-84. Khi sử dụng để chỉnh lý, hiện chỉnh bản đồ địa hình sẽ không cần phải nắn ảnh mà chỉ cần tính chuyển đổi về hệ tọa độ VN-2000. Quá trình chuyển đổi tọa độ này được thực hiện đơn giản bằng phần mềm Global Mapper.
2.5 Giải đoán, phát hiện các yếu tố thay đổi
Cơ sở để giải đoán các đối tượng địa lý bằng mắt dựa trên các dấu hiệu giải đoán và kiến thức kinh nghiệm của các tác nghiệp viên. Dấu hiệu giải đoán là những dấu hiệu khác biệt cho phép nhận biết đối tượng trên ảnh bao gồm dấu hiệu giải đoán trực tiếp, gián tiếp.
Các dấu hiệu giải đoán trực tiếp bao gồm hình dạng, kích thước, độ đậm nhạt, mầu sắc của hình ảnh, cấu trúc hình ảnh, bóng, đặc trưng phổ.
Các dấu hiệu giải đoán gián tiếp bao gồm vị trí tương quan, dấu vết hoạt động, tần suất xuất hiện và đặc trưng phân bố.
Dữ liệu bản đồ được tham chiếu trực tiếp trên nền trực ảnh. Những đối tượng mới xuất hiện và đối tượng biến động được phân tích, đánh dấu và thống kê lại bằng các công cụ sẵn có trong phần mềm chuyên dụng như MicroStaion, Global Mapper, ArcGIS. Ví dụ dưới đây cho thấy, khu vực hồ chứa Cửa Đạt (Thanh Hóa) được phát hiện trên ảnh vệ tinh chụp mới, trong khi trên bản đồ địa hình 1:250.000 vẫn đang biểu thị hiện trạng của lòng sông Chu cũ, chưa được cập nhật sự thay đổi một cách kịp thời.



2.6 Cập nhật các đối tượng địa lý và biên tập bản đồ
Dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật biên tập bản đồ của ngành TCVN/QS 1488:2011, biên tập viên sẽ quyết định chỉnh sửa và cập nhật các đối tượng địa lý khi số lượng thông tin và chất lượng ảnh tại những khu vực cần giải đoán đủ điều kiện để cập nhật. Công tác cập nhật và biên tập các đối tượng địa vật được thực hiện lần lượt theo từng nhóm lớp như sau: thủy hệ, giao thông, dân cư, địa giới hành chính và thực vật.
            Như vậy, với độ chụp phủ lớn (một cảnh có thể phủ kín 02 mảnh bản đồ 1:250.000) và cung cấp liên tục đến người dùng với thời gian gần thực, ảnh vệ tinh Landsat 8 đang trở thành một nguồn tư liệu vô cùng có giá trị đối với công tác cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia nói chung và bản đồ quân sự nói riêng ở tỷ lệ 1:250.000 và nhỏ hơn hiện nay.

3. Kết luận
Sự phát triển mạnh mẽ của các vệ tinh viễn thám trong những năm gần đây đã khẳng định ưu thế lợi ích trong việc giám sát tài nguyên môi trường tự nhiên và đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Vệ tinh Landsat 8 với sứ mệnh vẫn tiếp tục quan sát, giám sát các thay đổi trên bề mặt trái đất về các điều kiện khô hạn, sản xuất nông nghiệp, tan băng và ảnh hưởng của phát triển không gian đô thị toàn cầu. Dĩ nhiên, các ứng dụng phổ biến vẫn là giám sát tình trạng phá rừng, cháy rừng, giám sát thay đổi khí hậu, đa dạng sinh học, năng lượng, quản lý quá trình đô thị hóa.
Đối với ngành Trắc địa Bản đồ, ảnh vệ tinh Landsat 8 là nguồn tư liệu hết sức hữu ích phục vụ trực tiếp cho công tác cập nhật, hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình một cách nhanh chóng kịp thời. Nhờ có đặc tính kỹ thuật thu nhận trên nhiều kênh phổ khác nhau nên ảnh vệ tinh Landsat 8 thể hiện tương đối đầy đủ các đặc trưng nổi bật và khái quát của các đối tượng trên bề mặt trái đất. Nhưng vấn đề cốt lõi để có thể giải đoán, chiết suất các thông tin hữu ích từ ảnh viễn thám đòi hỏi phải có kiến thức chuyên gia và bề dày kinh nghiệm về giải đoán ảnh, xử lý ảnh. Do vậy phương pháp phân tích phổ và tổ hợp màu được xem như là “chìa khóa” để giải đoán nhanh chóng và chính xác các thông tin về đối tượng. Bài báo đã đề cập vấn đề cơ bản về kỹ thuật tổ hợp màu đối với ảnh vệ tinh Landsat 8. Nó được xem như là phương pháp tối ưu trợ giúp cho công tác giải đoán ảnh. Mặt khác ảnh vệ tinh Landsat 8 có độ phân giải không gian đạt 15m luôn luôn thỏa mãn điều kiện ≤ 0,1xM = 25m (M là mẫu số tỉ lệ bản đồ) nên dư thừa về độ chính xác cho thành lập mới và hiện chỉnh bản đồ địa hình ở tỉ lệ 1:250.000 và nhỏ hơn.
Việc ứng dụng kịp thời ảnh vệ tinh Landsat 8 trong công tác sản xuất hiện chỉnh bản đồ địa hình góp phần đổi mới nâng cao chất lượng Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 và nhỏ hơn./.

Tài liệu tham khảo
[1] TCVN/QS 1488:2011, Tiêu chuẩn quốc gia Địa hình quân sự - Sản phẩm Đo đạc Bản đồ, 2011.
[2] Lê Đại Ngọc, (2009), Tổ hợp màu để giải đoán ảnh vệ tinh Landsat 7 phục vụ hiện chỉnh bản đồ địa hình 1:250.000, Thông tin Địa hình quân sự, (4), tr. 68-74.
[3] http://landsat.usgs.gov/landsat8.php Thông tin chi tiết về vệ tinh Landsat 8 do cơ quan Đo đạc địa chất Mỹ cung cấp USGS.
[4] http://earthexplorer.usgs.gov/ Địa chỉ tải ảnh Landsat 8 miễn phí.
[5] http://landsat.usgs.gov/Landsat_Processing_Details.php. Thông tin chi tiết về mức xử lý 1T cho dữ liệu Landsat 8.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Chiến lược là gì?

Chiến lược là gì?
Chiến lược là tập hợp các quyết định về các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Chiến lược khác với chiến thuật
Chiến lược là khái niệm có nguồn gốc từ quân sự. Trong quân sự, chiến lược khác với chiến thuật, chiến thuật đề cập đến việc tiến hành một trận đánh, trong khi chiến lược đề cập đến việc làm thế nào để liên kết các trận đánh với nhau. Nghĩa là cần phải phối hợp các trận đánh để đi đến mục tiêu quân sự cuối cùng.
Nội dung khái quát của chiến lược thông thường gồm:
- Xác định chính xác mục tiêu cần đạt.
- Xác định con đường, hay phương thức để đạt mục tiêu.
- Định hướng phân bổ nguồn lực để đạt được mục tiêu lựa chọn.
Trong ba yếu tố này, phân bổ nguồn lực là nội dung rất quan trọng và dễ bị bỏ qua hoặc không tập trung. Do nguồn lực có hạn nên nhiệm vụ của chiến lược là tìm ra phương thức sử dụng các nguồn lực sao cho nó có thể đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
------------------------
Hiện tại có nhiều định nghĩa khác nhau về chiến lược, nguyên nhân cơ bản có sự khác nhau này là do có các hệ thống quan niệm khác nhau về tổ chức nói chung và các phương pháp tiếp cận khác nhau về chiến lược của tổ chức nói riêng.

Về mặt bản thể học, tùy theo quan điểm của chủ nghĩa thực chứng (positivism) hay theo xu hướng tạo dựng (constructivism) mà bản chất của chiến lược được xác định theo quy luật tự nhiên hoặc có sự tác động có ý nghĩa của chủ thể. Trên thực tế, chiến lược thường được định nghĩa theo hướng thực tiễn nhằm làm dễ dàng các quá trình thực hành trong tổ chức.

Theo Johnson và Scholes, chiến lược được định nghĩa như sau :

«Chiến lược là việc xác định định hướng và phạm vi hoạt động của một tổ chức trong dài hạn, ở đó tổ chức phải giành đượclợi thế thông qua việc kết hợp các nguồn lực trong một môi trường nhiều thử thách, nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của thị trường và đáp ứng mong muốn của các tác nhân có liên quan đến tổ chức».

Theo định nghĩa này, chiến lược của một doanh nghiệp được hình thành để trả lời các câu hỏi sau :

  • Hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra ở đâu trong dài hạn? (định hướng).
  • Hoạt động kinh doanh sẽ cạnh tranh trên thị trường sản phẩm nào và phạm vi các hoạt động? (thị trường, phạm vi hoạt động).
  • Bằng cách nào hoạt động kinh doanh được tiến hành tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường? (lợi thế).
  • Nguồn lực nào (kỹ năng, tài sản, tài chính, nhân sự, công nghệ, thương hiệu…) cần thiết để tạo ra lợi thế cạnh tranh? (nguồn lực).
  • Các nhân tố thuộc môi trường bên ngoài tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp? (môi trường). 
Theo Michael Porter (1996), “Chiến lược là việc tạo ra một sự hài hòa giữa các hoạt động của một công ty. Sự thành công của chiến lược chủ yếu dựa vào việc tiến hành tốt nhiều việc… và kết hợp chúng với nhau… cốt lõi của chiến lược là “lựa chọn cái chưa được làm”.

Theo cách tiếp cận này, chiến lược là tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh, tìm và thực hiện cái chưa được làm (what not to do). Bản chất của chiến lược là xây dựng được lợi thế cạnh tranh (competitive advantages), chiến lược chỉ tồn tại trong các hoạt động duy nhất (unique activities). Chiến lược là xây dựng một vị trí duy nhất và có giá trị tác động một nhóm các hoạt động khác biệt.

Để có được chiến lược cũng như để tạo ra được lợi thế cạnh tranh, có ba dạng định vị cơ bản :

  • Định vị dựa trên sự đa dạng các hoạt động (varieties based) : Đó là sự lựa chọn một hay một nhóm các hoạt động trong một ngành kinh doanh trên cơ sở việc phân đoạn các hoạt động kinh doanh.
  • Định vị dựa trên nhu cầu (needs based) : Đó là việc lựa chọn nhóm khách hàng có nhu cầu đồng nhất trên cơ sở việc phân đoạn thị trường.
  • Định vị dựa trên khả năng tiếp cận của khách hàng đối với một mặt hàng hay lĩnh vực kinh doanh (access based) : Đó là cách định vị dựa trên tiêu chí vị trí địa lý hoặc khả năng thanh toán của khách hàng. 
Việc kết hợp hài hòa giữa các hoạt động cho phép tạo ra lợi thế cạnh tranh và khả năng bảo vệ lợi thế này trong dài hạn. Có ba dạng liên kết cơ bản :

  • Sự liên kết giản đơn giữa từng hoạt động đơn lẻ với tổng thể chiến lược.
  • Sự liên kết khi các hoạt động được củng cố và tăng cường.
  • Sự liên kết khi tối ưu hóa các nỗ lực. 
Vị trí chiến lược chỉ có thể được bảo vệ lâu dài khi có sự khác biệt được tạo ra : Chính sự khác biệt trong các hoạt động, trong việc đáp ứng nhu cầu hay trong cách thức tiếp cận khách hàng cho phép doanh nghiệp luôn tìm được những định vị mới./.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Bài báo khoa học, ISI và một số “thước đo” đánh giá nhà khoa học


Ngày 26/11/2011, trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa VCCA 2011, các đại biểu tâm huyết đã tổ chức Diễn đàn trao đổi về Điều khiển học và chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước. Trong diễn đàn này, các đại biểu đã làm rõ nhu cầu và vạch ra con đường phát triển nghiên cứu cơ bản về Điều khiển học, được coi là “linh hồn của lĩnh vực Điều khiển và tự động hóa”.
Theo đó, Điều khiển học cần được tham gia vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước, cụ thể là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED. Thay vì đưa các đề tài về Điều khiển học “len lỏi” vào các hội đồng chuyên môn về Toán học, Tin học hoặc Cơ học, các đại biểu nhất trí rằng cần đề xuất với Nhà nước lập hội đồng khoa học riêng về ngành Điều khiển học. Đó đương nhiên là những ý kiến xác đáng và cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, quỹ NAFOSTED được vận hành theo những quy định về tiêu chí rất chặt chẽ xoay quanh giá trị khoa học của đề tài và thành tích khoa học của người đăng ký chủ trì cũng như của thành viên hội đồng khoa học. Những giá trị và thành tích khoa học này được “đo” theo những tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, kết quả của đề tài phải là các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI (sau đây gọi tắt là “chuẩn ISI”), người đăng ký chủ trì cũng phải có ít nhất 2 bài báo chuẩn ISI trong 5 năm trở lại đây. Như vậy, để tham gia vào “sân chơi NAFOSTED”, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực của chúng ta trước tiên cần phải nắm rõ các vấn đề về tiêu chí quốc tế chuẩn mực trong khoa học như ISI. Người viết bài này nhận thấy rằng đây là những vấn đề ít nhiều còn xa lạ với không ít người trong ngành của chúng ta. Bài viết này giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về một số thước đo định lượng đánh giá nghiên cứu cũng như đánh giá nhà khoa học. Trước đó, nhằm mục đích định hướng cho những nhà nghiên cứu trẻ (sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh), người viết giới thiệu và phân tích ngắn gọn về vai trò, giá trị và cấu trúc của một bài báo khoa học. Cuối cùng, một số vấn đề đặc thù của ngành Điều khiển và Tự động hóa trong đánh giá nghiên cứu sẽ được nêu và phân tích cùng với những đề xuất của người viết nhằm đưa ngành của chúng ta vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước.
Bài viết này giúp cho những nhà nghiên cứu trẻ mới bước chân vào con đường khoa học để tự vạch ra những mục tiêu cũng như phương pháp nghiên cứu của mình sao cho phù hợp với những chuẩn mực của quốc tế. Các chuyên gia đầu ngành, những nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm cũng có thể tham khảo để tự đánh giá những nghiên cứu của bản thân và hướng dẫn cho những sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của mình.
2. Bài báo khoa học
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình nghiên cứu
Ta có thể nói rằng bài báo khoa học chính là sợi chỉ xuyên suốt quá trình nghiên cứu, từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Khi bắt đầu một đề tài, người nghiên cứu sẽ phải tìm đọc các bài báo của các tác giả khác về lĩnh vực đó nhằm hai mục đích: học những kiến thức nền tảng và nắm bắt xu thế nghiên cứu của đề tài. Từ đó, nhà nghiên cứu định ra con đường của mình, tìm hướng nghiên cứu riêng của mình. Một công trình nghiên cứu chỉ được coi là có giá trị khoa học khi kết quả của nó có thể được viết thành các bài báo đăng trên các tạp chí hoặc báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế được thẩm định về chuyên môn thông qua phản biện của các chuyên gia (peer-review, có người gọi là “bình duyệt”). Bắt đầu bằng việc đọc và học từ bài báo của người khác và kết thúc ở việc công bố bài báo của bản thân mình, đó là một chu trình bắt buộc của nghiên cứu.
“Công bố hay là chết” (Publish or Perish)
Có nhiều người từ trẻ tuổi đến gạo cội trong ngành của chúng ta có quan niệm sai lầm, hiểu sai về vai trò của bài báo khoa học và việc công bố bài báo khoa học. Thường xuất hiện những suy nghĩ như sau:
-    Bài báo chỉ là thứ để giải quyết vấn đề bằng cấp. Do yêu cầu phải có báo mới được bảo vệ luận án (tiến sĩ) nên ta phải viết báo.
-    Nghiên cứu ứng dụng là phải ra sản phẩm có tính thương mại, phục vụ đời sống chứ không phải là viết báo. Giá trị của nghiên cứu nằm ở công dụng của sản phẩm chứ không phải ở chất lượng bài báo. Tư duy này khá phổ biến trong các ngành kỹ thuật công nghệ với suy nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố bài báo mà điều đó chỉ quan trọng trong nghiên cứu cơ bản.
Đây đều là những ngụy biện sai lầm. Sự cần thiết của việc công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế và những lập luận chống lại những tư duy sai lầm này đã được những nhà khoa học tâm huyết đề cập đến nhiều lần như trong các tài liệu [1 - 3]. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không đi vào phân tích những sai lầm đó mà chỉ muốn nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của bài báo khoa học đối với nghiên cứu. Như sẽ trình bày trong phần sau, ta thấy rằng mọi đánh giá về nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học đều dựa trên bài báo khoa học. Thậm chí trong giới khoa bảng phương Tây còn có câu thành ngữ “publish or perish”, tạm dịch là “công bố hay là chết”. Nếu sử dụng cho ý nghĩa về “sinh mệnh khoa học” thì câu nói này hoàn toàn không hề phóng đại. Luật của thế giới là đánh giá công trình nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học qua bài báo, nếu anh không có báo tức là anh đứng ngoài cuộc chơi và không được cộng đồng khoa học thừa nhận.
Cấu trúc một bài báo khoa học
Nhìn chung, một bài báo khoa học có cấu trúc gồm các phần [4]: Giới thiệu (Introduction), Phương pháp (Materials and Method), Kết quả và đánh giá, bình luận (Results and Discussion) và Kết luận (Conclusion). Đây là một cấu trúc tổng quan cho tất cả các ngành, bạn đọc có thể tham khảo ở [4] hoặc nhiều tài liệu khác. Người viết bài này muốn trình bày một cấu trúc chi tiết và đặc thù hơn trong ngành Điều khiển và Tự động hóa như sau:
1. Giới thiệu (Introduction). Trong phần này, tác giả cần làm rõ đối tượng nghiên cứu, động lực nghiên cứu (tại sao cần nghiên cứu đối tượng này), tình hình nghiên cứu qua công trình của các tác giả khác với đánh giá về ưu nhược điểm của chúng, mục tiêu của nghiên cứu và cuối cùng là cấu trúc của bài báo.
2. Mô tả hệ thống và phương pháp đang được sử dụng (System configuration and current methods/techniques). Các nghiên cứu trong ngành Điều khiển và Tự động hóa thường làm việc với một đối tượng xác định. Trong phần này, tác giả cần phải mô tả cấu hình hệ thống, mô hình hóa đối tượng (mô hình toán học) và mô tả phương pháp, kỹ thuật hay thuật toán đang được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, nếu công trình của tác giả là một thuật toán cải tiến chất lượng cho hệ điều khiển vector động cơ không đồng bộ thì trong phần này, tác giả phải mô tả cấu hình hệ truyền động, mô hình hóa động cơ và hệ truyền động và trình bày những chi tiết cơ bản về phương pháp điều khiển vector thông thường.
3. Phương pháp do tác giả đề xuất (Proposed method/technique). Tác giả phải trình bày những hạn chế của phương pháp đã biết và đề xuất phương pháp của mình. Đó có thể là một phương pháp mới hoặc một kỹ thuật để cải tiến phương pháp đã biết. Đây là giá trị khoa học chính của bài báo. Bài báo có được đăng hay không, chất lượng thế nào phụ thuộc chủ yếu vào phần này.
4. Kết quả mô phỏng và thực nghiệm với các đánh giá về kết quả (Simulation and experimental results and evaluations). Trong phần này tác giả trình bày các kết quả mô phỏng và thực nghiệm để chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của phương pháp đề xuất. Cần phải có các đánh giá, phân tích và bình luận cho mỗi kết quả.
5. Kết luận (Conclusion). Đây là phần đánh giá lại toàn bộ phương pháp (những ưu điểm và tồn tại của nó), nhấn mạnh lại đóng góp khoa học của bài báo. Cuối cùng tác giả có thể gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo.
6. Phụ lục (Appdendix). Bài báo có thể có phụ lục. Đây có thể là bảng số liệu, kết quả mô phỏng và thực nghiệm hoặc những tính toán và chứng minh toán học chi tiết. Những phần đưa vào phụ lục là những phần rất quan trọng, nhưng nếu đưa vào nội dung bài báo sẽ khiến cho nó trở nên phức tạp, dài và khó theo dõi. Bài báo nên được trình bày mạch lạc, rõ ràng để người đọc hiểu được công việc của tác giả. Sau đó, những điều được trình bày trong phụ lục sẽ làm rõ hơn hoặc chặt chẽ hơn đóng góp của tác giả. Đôi khi đây lại là phần hay và giá trị nhất của bài báo.
Đối với từng loại bài báo và từng lĩnh vực cụ thể, cấu trúc trên có thể có sự thay đổi. Chẳng hạn một bài báo về Lý thuyết điều khiển sẽ xoay quanh các thuật toán mà có thể không có một cấu hình hệ thống cụ thể. Các kết quả mô phỏng hoặc thực nghiệm nếu có thường chỉ để minh họa cho tính ứng dụng của thuật toán. Trong khi đó, với một nghiên cứu về Điện tử công suất hoặc Truyền động điện thì cấu hình hệ thống và các kết quả là không thể thiếu. Trong lĩnh vực này, một bài báo có kết quả thực nghiệm thường được đánh giá cao hơn một bài chỉ dừng ở mô phỏng. Tuy vậy, dù trong trường hợp nào, giá trị khoa học quyết định của bài báo cũng nằm ở đóng góp mang tính học thuật của tác giả về phương pháp đề xuất, đó gọi là yêu cầu về “cái mới” (novelty) của các công bố khoa học.
Còn một dạng bài báo nữa thường được đọc và trích dẫn rất nhiều (sẽ đề cập ở phần sau) là các bài tổng quan (review paper). Đây thường là những bài báo do các tác giả có uy tín viết, nó là đánh giá tổng quan về một sự phát triển, một nhánh nghiên cứu nào đó với những nhìn nhận, phân tích và tổng hợp dựa trên kết quả nghiên cứu của chính tác giả và của các tác giả khác. Loại bài báo này có thể không có phương pháp đề xuất mới, mà giá trị của nó nằm ở những đánh giá tổng hợp của tác giả giúp người đọc có cái nhìn hệ thống về các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn.
Không chỉ dành cho bài báo, cấu trúc trên còn là cấu trúc điển hình của một báo cáo khoa học, đồ án tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ. Hơn thế nữa, một quy trình nghiên cứu cũng theo đúng cấu trúc như trên. Người làm nghiên cứu đầu tiên phải đọc công trình của các tác giả khác để học nền tảng kiến thức và xác định rõ mục tiêu cũng như hướng nghiên cứu của mình. Sau đó, bằng việc phân tích đánh giá ưu và nhược điểm của các phương pháp đã có, ta tìm ra “khe hở”, từ đó đề xuất ra phương pháp của mình. Sau khi có ý tưởng và phương pháp, ta xây dựng các mô phỏng và hệ thống thực nghiệm để thử nghiệm các phương pháp cũ và mới, từ đó điều chỉnh phương pháp đề xuất và công bố kết quả là bài báo của mình khi nghiên cứu đã hoàn thiện.
3. Khái niệm về ISI
Trong phần trên, ta đã bàn về vai trò của bài báo khoa học. Các bài báo sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học (academic journal, có người gọi là “tập san”) hoặc báo cáo tại các hội nghị khoa học. Tuy vậy, không phải tạp chí và hội nghị nào cũng có giá trị như nhau và đều được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Ta dễ thấy những tạp chí của Việt Nam hầu như có rất ít giá trị đối với thế giới. Có những tạp chí đăng bài tương đối dễ, có những tạp chí là niềm mơ ước cả đời không với tới được của nhiều nhà khoa học. Vậy thế nào là “được công nhận” và “không được công nhận”; thế nào là “dễ” và “khó”?
Vấn đề chất lượng của tạp chí, việc “dễ” và “khó được nhận” sẽ được đề cập ở phần sau. Câu hỏi về “tạp chí nào được công nhận” có thể được trả lời một cách đơn giản: tạp chí nằm trong danh sách thống kê của Viện Thông tin Khoa học ISI (Institute for Scientific Information). ISI được thành lập bởi Eugene Garfield, một nhà khoa học người Mỹ, vào năm 1960 và sau đó được sáp nhận vào tập đoàn Thomson Reuters. ISI thống kê, đánh giá và xếp hạng hàng nghìn tạp chí khoa học thuộc hầu hết các lĩnh vực tạo thành một bộ cơ sở dữ liệu thông tin khoa học đáng tin cậy với nhóm [5]:
-    SCI (Science Citation Index) có 3773 tạp chí thuộc 100 ngành. Sau đó có SCIE (Science Citation Index Expanded với 8207 tạp chí thuộc 150 ngành. Có thể xem rằng các tạp chí thuộc SCI được đánh giá cao hơn các tạp chí thuộc SCIE (mở rộng).
-    SSCI (Social Sciences Citation Index) gồm 2697 tạp chí và 3500 công trình của 50 ngành. A&HCI (Art and Humanities Citation Index) gồm 1470 tạp chí và 6000 công trình. Đây là những tạp chí thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
-    CPCI (Conference Proccedings Citation Index) gồm 110000 tuyển tập hội nghị.
4. Một số thước đo đánh giá nhà khoa học
Trong phần này, người viết sẽ giới thiệu hai chỉ số cơ bản và thường được sử dụng để đánh giá các công trình nghiên cứu và đánh giá các nhà khoa học; cùng với đó là một số phân tích về ưu và nhược điểm của những thước đo này.

a. Chỉ số trích dẫn (Citation Index)
Chỉ số trích dẫn được Garfield đưa ra vào năm 1955, đó là toàn bộ số lần một bài báo được trích dẫn trong các tài liệu khác [6]. Đây là chỉ số đơn giản nhất và cũng là quan trọng nhất vì nó là nền tảng để tính các chỉ số khác. Một cách định tính, ta thấy rằng một bài báo có chất lượng của một tác giả uy tín sẽ được nhiều người đọc, tham khảo và trích dẫn và ngược lại. Do vậy, có thể lấy số lần trích dẫn để đo giá trị của bài báo, tạp chí và tác giả.
Tuy đây là một chỉ số hợp lý, nó có những vấn đề gây khó khăn cho việc đánh giá. Trong bài viết này, người viết đề cập đến hai vấn đề: sự khác nhau giữa kết quả từ các công cụ thống kê khác nhau và văn hóa trích dẫn của từng ngành.
Hình 1. Kết quả tìm kiếm theo IEEExplore.
Hình 2. Kết quả tìm kiếm theo ISI Web of Science.
Sự khác biệt về kết quả giữa các công cụ thống kê
Việc thống kê trích dẫn của các tạp chí và bài báo ngày nay đều dựa trên các công cụ tìm kiếm và thống kê bằng máy tính. Trên thế giới có rất nhiều các công cụ như vậy. Đối với ngành Điều khiển và Tự động hóa, người viết giới thiệu ba công cụ: IEEExplore, ISI Web of Science và Google Scholar. IEEExplore (http://ieeexplore.ieee.org) thống kê tất cả các ấn phẩm gồm sách, báo, tạp chí, kỷ yếu hội nghị và tiêu chuẩn của tổ chức IEEE (Institute of Electrical and Electronic Engineers) và IET (Institution of Engineering and Technology). ISI Web of Science (http://isiwebofknowledge.com) là công cụ thống kê và tìm kiếm của ISI. Google Scholar (http://scholar.google.com) là dịch vụ của Google với bộ cơ sở dữ liệu được coi là phong phú nhất trong các công cụ tìm kiếm (tuy nhiên họ không công bố danh sách cơ sở dữ liệu này).
Do dựa trên những cơ sở dữ liệu khác nhau nên kết quả thống kê của các công cụ này cũng khác nhau. Lấy một ví dụ, người viết bài này có bài báo “Convergence Improvement of Efficiency-Optimization Control of Induction Motor Drives” đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Industry Applications năm 2001, sử dụng ba công cụ tìm kiếm khác nhau đem lại ba kết quả khác nhau, với các kết quả là 22, 26 và 98 như các Hình 1, 2 và 3.
Hình 3. Kết quả tìm kiếm theo Google Scholar.
Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn của mỗi ngành
Có một vấn đề là ta rất khó so sánh các công trình và các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau dựa trên số lần trích dẫn. Lý do là mỗi ngành có một “văn hóa trích dẫn” khác nhau. Có ngành trích dẫn nhiều, có ngành trích dẫn ít. Một thống kê trên Hình 4 cho ta cái nhìn về sự khác nhau giữa số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo ở các ngành khoa học khác nhau [7]. Ngành Điều khiển và Tự động hóa của ta có tỉ lệ tương tự như nhóm ngành thấp nhất (Toán và Tin học). Như vậy, ta có thể nhận định gần đúng rằng một bài báo trong ngành Toán được trích dẫn 2 lần sẽ tương đương với một bài báo trong ngành Vật lý được trích dẫn 6 lần. Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn này dẫn tới những sự chênh lệch và khác biệt lớn về hệ số ảnh hưởng sẽ được trình bày dưới đây.
Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề khác như việc trích dẫn chỉ là để nhắc lại lịch sử trong phần tổng quan của bài báo. Lúc này, một bài báo được trích dẫn cao chưa hẳn đã là do giá trị của nó. Chẳng hạn như những công trình nghiên cứu về truyền điện không dây (Wireless Power Transfer) rất hay trích dẫn bằng sáng chế của Nikola Tesla “Apparatus for Transmitting Electrical Energy”, US patent 1,119,732 năm 1902 (mặc dù đây không phải là “bài báo” nhưng vẫn là một ví dụ tốt) vì đây là nỗ lực đầu tiên để truyền năng lượng điện không qua dây dẫn; mặc dù trên thực tế Tesla đã thất bại, thiết bị này không hoạt động.
Hình 4. Số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo thuộc các nhóm ngành khác nhau. Dữ liệu từ Thomson Scientific năm 2000 [7].
b. Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF)
Hệ số ảnh hưởng (IF) là thông số được tính hàng năm cho mỗi tạp chí, nó thể hiện rằng các bài trong tạp chí đó được trích dẫn nhiều hay ít, nghĩa là chất lượng của tạp chí cao hay thấp. Thông số này được tính hàng năm và thay đổi theo thời gian, có khi biến động rất lớn.
Hệ số ảnh hưởng của một tạp chí trong năm N được tính bằng tổng số lần các bài báo trong tạp chí đó được trích dẫn trong 2 năm trước N (tức là N-1 và N-2) chia cho tổng số bài báo trong hai năm đó. Chẳng hạn, Nếu một tạp chí A có tất cả 100 bài trong hai năm 2009 và 2010 và được trích dẫn tổng cộng 170 lần thì hệ số ảnh hưởng của năm 2011 sẽ là IF_2011 = 170/100 = 1.7.
Hệ số ảnh hưởng cho biết uy tín và chất lượng của tạp chí. Hệ số này càng cao thì tạp chí càng có uy tín và càng khó để có bài được đăng trên tạp chí này. Một bài báo được đăng trên một tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao sẽ được đánh giá cao, dễ được đọc và được trích dẫn hơn. Một nhà khoa học đăng được bài trên tạp chí chất lượng và bài báo được trích dẫn nhiều sẽ được đánh giá cao.
Vì hệ số ảnh hưởng (và thực tế là hầu hết các thước đo khác) được tính dựa trên chỉ số trích dẫn nên nó mang đầy đủ những hạn chế đặc thù của hệ số trích dẫn. Một thống kê rất thú vị và chi tiết về sự khác biệt giữa hệ số ảnh hưởng trung bình của các lĩnh vực được trình bày trong [8], người viết trích giới thiệu trong Hình 5. Trong hình, hệ số của một số lĩnh vực liên quan gồm Lý thuyết điều khiển, Hệ thống điện, Trường điện từ và Khoa học máy tính được chỉ rõ (khoanh đỏ) trong tương quan so sánh với hai ngành có hệ số thuộc nhóm cao nhất là Y học và Sinh học phân tử và tế bào.

5. Đề xuất liên quan đến một số vấn đề đặc thù của ngành Điều khiển và Tự động hóa
Ta quay trở lại với vấn đề về việc đưa Điều khiển học, cũng như Điều khiển và Tự động hóa nói chung tham gia vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước. Như đã nói ở trên, việc này đòi hỏi các nhà khoa học trong ngành phải có công bố trên các tạp chí ISI. Quy định này có phần gây khó cho các nhà nghiên cứu thuộc ngành Điều khiển và Tự động hóa nói riêng cũng như ngành Điện nói chung, bởi lẽ, quy định cứng về tạp chí ISI đã bỏ qua một yếu tố quan trọng liên quan tới “văn hóa công bố” của ngành. Đối với những ngành khác như Toán học, Vật lý hay Sinh học thì các báo cáo tại hội nghị không được tính là bài báo nghiên cứu, không tính vào thành tích khoa học. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với ngành Điện, Điện tử và Tin học. Với nhóm ngành này, bài báo ở các hội nghị có chất lượng cao được đánh giá không thua kém bài báo trong các tạp chí. Ta có thể thấy rất rõ điều này khi đọc phần trích dẫn (tài liệu tham khảo) các bài báo của ngành, trong đó các bài báo hội nghị được trích dẫn rất nhiều.
Như vậy, người viết bài này có một ý kiến rằng khi đề xuất lập hội đồng về Điều khiển học, chúng ta nên đề nghị hội đồng khoa học quốc gia xem xét và điều chỉnh tiêu chuẩn đối với ngành Điều khiển học, cho phép tính các bài báo tại các hội nghị được liệt kê bởi ISI (CPCI, đã đề cập ở cuối phần 3) do những đặc thù về văn hóa công bố của ngành như vừa phân tích.
Hình 5. Thống kê hệ số ảnh hưởng trung bình giữa các lĩnh vực [8].
6. Kết luận
Trong bài viết này, tác giả đã trình bày về vai trò, tầm quan trọng và cấu trúc điển hình của bài báo khoa học, tiếp đó là những khái niệm cơ bản để đánh giá nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học, cuối cùng là một phân tích và đề xuất về vấn đề văn hóa ngành trong công bố nghiên cứu. Tác giả hy vọng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo tốt cho những nhà nghiên cứu trẻ trong định hướng và xác định mục tiêu trong khoa học. Cuối cùng, tác giả mong rằng bài viết sẽ đóng góp được một số ý kiến nhỏ trong nỗ lực đưa Điều khiển học vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo
[1]    Nguyễn Văn Tuấn, “Chín lý do cho công bố quốc tế”, blog cá nhân nguyenvantuan.net, 08/2009.
[2]    Nguyễn Văn Tuấn, “Một vài hiểu lầm tai hại”, Tạp chí Tia Sáng, bản điện tử, ngày 03/02/2009.
[3]    Phạm Đức Chính, “Lực cản từ chính một số cây đa cây đề”, Tạp chí Tia Sáng, bản điện tử, ngày 02/02/2009.
[4]    Nature Education, “English Communication for Scientists – Part 2.1: Structuring Your Scientific Paper”, online: http://www.nature.com/scitable.
[5]    Hồ Tú Bảo, “Đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học”, Seminar Đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học, tp HCM, 2010.
[6]    Eugene Gafield, “Citation Indexes for Science: A New Dimension in Documentation through Association of Ideas”, Science, 122(3159), 1955.
[7]    Adler, R., Ewing, J., Taylor, P., “Citation Analysis”, Statistical Science, 24(1), 1-14, 2009.
[8]    Althouse, B.M., West, J.D., Bergstrom, T.C., and Bergstrom, C.T., “Differences in Impact Factor Across Fields and Over Time”, Journal of the American Society for Information Science and Technology, 60(1), 27-34, 2009.
Tạ Cao Minh Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Số 134 (1+2/2012)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay