Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Phương pháp để viết một kết luận của bài viết hiệu quả


1. Giới thiệu

          Phần kết luận của một bài viết là một phần nội dung không thể thiếu của một bài viết, thể hiện khái quát những khẳng định, những giá trị mang lại cho người đọc mà tác giả muốn truyền tải thông qua bài viết và được cấu trúc ở cuối bài viết.

          Phần kết luận cũng giống như chiếc nơ trên món quà được bọc cẩn thận. Nó kết nối và đóng gói mọi thứ với nhau và đánh bóng bài viết của tác giả, nên phần kết luận hết sức quan trọng trong một bài viết. Phần kết luận nên tóm gọn được mọi thứ trong bài viết với giọng điệu cần mạnh mẽ và hùng hồn. Chỉ cần chú ý một chút là tác giả đã có thể nâng tầm bài viết của mình với phần kết luận ấn tượng.

          Trên thực tế có nhiều dạng bài viết khác nhau như: bài báo, tiểu luận, luận văn, luận án, bài luận, tổng kết một chương sách,... sau đây gọi chung là "bài viết". Vậy làm thế nào để có một kết luận hay, mang lại cho người đọc thông tin hữu ích nhất? Với mong muốn giải đáp câu hỏi đó, bài viết này sẽ giới thiệu cho người đọc cách làm sao để viết được một phần kết luận hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị, hiệu quả và nâng tầm giá trị của bài viết tới người đọc. Phần 2 sẽ giới thiệu về cách tư duy, cách làm cơ bản để có được phần kết luận tốt; Phần 3 sẽ giới thiệu về cấu trúc, hành văn viết kết luận; những lỗi thường gặp được trình bày ở phần 4, Phần 5 sẽ trình bày ví dụ về viết kết luận hay và không hay để người đọc có thể cảm nhận và so sánh và cuối cùng là Kết luận của bài viết hướng dẫn này.

2. Động não về viết kết luận

1.     

 

 

2.1. Cần suy nghĩ về câu hỏi “Vậy thì sao?”

          Cách tốt nhất để viết phần kết luận chính là tưởng tượng ra câu hỏi “Vậy thì sao?” của người đọc khi họ tiếp cận bài viết của tác giả. Những câu hỏi mà người đọc có thể đặt ra khi tiếp cận bài viết, chẳng hạn như:

          - Tại sao tác giả lại viết về vấn đề này?

          - Có những gì liên quan đến vấn đề mà mình quan tâm?

          - Mình sẽ tiếp thu những gì từ bài viết của tác giả đã chia sẻ?

          - Vấn đề của bài viết có ích cho mình không?...

          Vậy thì tác giả nên viết gì ở phần kết luận để thuyết phục người đọc quan tâm đến ý tưởng mà vấn đề tác giả đề cập? 

          Tác giả tự hỏi bản thân câu hỏi “Vậy thì sao?” trong quá trình viết bài viết cũng có thể giúp tác giả đào sâu ý tưởng của bản thân. Để trả lời được câu hỏi này tác giả sẽ phải hình dung đến:

          - Khẳng định một cái gì đó từ bài viết;

          - Làm cho người đọc thấy được khẳng định đó là đúng, có độ tin cậy;

          - Sử dụng khẳng định đó để làm việc gì có ý nghĩa trong cuộc sống thực.

          Ngoài ra, tác giả cần liên tưởng đến ý nghĩa khoa học (nếu có) và ý nghĩa thực tiễn của bài viết.

 

2.2. Liệt kê những ý tưởng chính của bài viết

          Việt kê những ý tưởng chính của bài viết là việc mà tác giả đọc, rà soát toàn bộ bài viết từ trên xuống dưới, trích và viết ra giấy nháp những phần nội dung, ý chính đã viết trong bài viết, những khẳng định tương ứng với ý chính đó. Dùng danh sách liệt kê này để làm chất liệu cho viết các câu nội dung trong phần kết luận.

          Việc liệt kê ra được những ý tưởng chính của bài viết rất quan trọng, vì:

          - Giúp tác giả biết chính xác mình cần viết kết luận như thế nào.

          - Tránh được lỗi giới thiệu thông tin mới hay chủ đề mới ở phần kết luận.

          Tác giả không cần phải nhồi nhét mọi thứ vào phần kết luận mà chỉ nêu những thứ quan trọng.


 

 

2.3. Tìm kiếm chủ đề được giới thiệu ở đoạn đầu

          Phần kết luận có chủ đề tương tự với phần mở đầu cũng là một ý hay. Hãy thử "nâng tầm" chủ đề đó ở phần kết luận.

          Ví dụ, nếu tác giả mở đầu bài viết với ý tưởng "sự nhỏ bé của con người trong vũ trụ rộng lớn", tác giả có thể nhắc lại ý tưởng đó ở phần kết luận. Tuy nhiên, tác giả có thể mở rộng chủ đề này bằng cách bổ sung các ý khác như "khi trí tuệ của con người ngày một phát triển thì vũ trụ như thu nhỏ lại".


 

            Cân nhắc việc liên kết lý luận của tác giả vào một bối cảnh khác. 

          Cách tốt nhất để viết phần kết luận cho bài viết là mở rộng các vấn đề liên quan đến cuộc thảo luận đến bối cảnh “bức tranh lớn hơn”. Điều này sẽ giúp người đọc biết cách áp dụng lý luận của tác giả vào chủ đề khác, mở rộng mục đích của bài viết.

3. Kỹ thuật viết kết luận

 

3.1. Thực hiện viết kết luận theo cấu trúc

          Cấu trúc phần kết luật của bài viết có thể có nhiều cách thể hiện khác nhau tùy theo từng tác giả, nhưng thường gặp nhất là bao gồm những ý chính sau:

·          Câu chủ để nhắc lại mục đích của bài viết.

·          Phát biểu lại ý tưởng chính của bài viết, tóm tắt các ý chính, kết luận đưa ra của từng nội dung chính của bài viết.

·          Tóm tắt ngắn gọn các bằng chứng chứng minh kết luận đưa ra của bài viết.

·          Chỉ ra một hoặc hai điểm chính kết luận đưa ra là chính xác.

·          Cuối cùng phát biểu kết luận rằng vấn đề của bài viết đã được giải quyết.

          Không có quy tắc cứng nhắc nào quy định phần kết luận phải dài bao nhiêu câu, tùy thuộc vào loại bài viết là luận văn hay bài báo, bài viết mà độ dài của phần kết luận có thể khác nhau. Có hai kiểu viết phần kết luận:

          - Phần kết luận thường là một đoạn văn, có độ dài 5-7 câu tương ứng với những ý chính trong cấu trúc trên, mỗi ý một câu đối với bài viết là bài báo ngắn. Đối với những bài báo thông thường (5-10trang), nếu phần kết luận ngắn hơn 5-7 câu thì tác giả chưa tóm tắt đủ luận điểm, còn nhiều hơn thì nghĩa là tác giả huyên thuyên hơi nhiều.

          - Phần kết luận có thể dài hơn 1 đoạn văn, nhiều hơn 5-7 câu, tuy nhiên vẫn có những ý chính theo cấu trúc trên.

 

3.2. Tóm gọn một số điểm chính 

          Hãy thử lấy câu đầu tiên của các đoạn phần thân bài (câu chủ đề) và viết lại thành một đoạn 2, 3 câu tóm tắt được những điểm chính. Việc này sẽ củng cố lập luận, nhắc người đọc về vấn đề được đề cập trong bài viết.

          Tránh tóm tắt luận điểm giống hệt phần trên. Người đọc đã đọc toàn bộ bài viết. Tác giả không nhất thiết phải nhắc lại từng luận điểm một.

          Một cách viết thường dùng là liên kết các ý chính đã tóm tắt ở trên thành những câu kép, dùng các từ nối để liên kết các luận điểm lại với nhau. Làm được như thế thì phần kết luận tránh được sự lặp lại, mặt khác lại nâng tầm kiến thức thành sự tổng hợp, có ý nghĩa hơn trong quá trình vận dụng kết quả nhận định trong bài viết.

3.3. Nêu bật luận điểm của bài viết ở phần kết luận 

          Tác giả nên viết luận điểm chính thức của bài viết vào phần kết luận. Nếu người đọc đọc tới phần kết luận nhưng vẫn không biết luận điểm của bài là gì, thì tác giả vẫn chưa thành công trong việc truyền đạt ý tưởng tới họ.

          Hãy tìm một cách mới mẻ để nhắc lại luận điểm, sử dụng cách viết khác chẳng hạn. Tái khẳng định luận điểm nhưng vẫn dùng cách diễn đạt trước đó sẽ làm người đọc nhàm chán và không cung cấp được cái nhìn mới trong lập luận.

3.4. Viết chủ đề theo giọng điệu tự tin

            Tự tin ở đây có nghĩa là sử dụng từ chính xác (trái ngược với những từ cũ), dựa trên các luận cứ chắc chắn từ nguồn khác và tin tưởng vào khả năng viết của bản thân. Đừng xin lỗi vì ý tưởng hay dùng quá nhiều ngôn ngữ nặng nề.

          Ví dụ, thay vì viết "Đó là lý do tôi nghĩ Abraham Lincoln là Tổng thống Mỹ xuất sắc nhất trong thế kỷ 19" hãy nói "Đó là lý do Abraham Lincoln trở thành Tổng thống Mỹ xuất sắc nhất trong thế kỷ 19". Người đọc đã biết tác giả viết Lincoln là Tổng thống xuất sắc nhất, và tác giả cũng tin như vậy. Do đó dùng từ "Tôi nghĩ " nghe có vẻ thiếu tự tin.

          Đừng bao giờ viết những câu "Tôi có thể không phải là chuyên gia" hoặc "Ít nhất thì đây là ý kiến của tôi" vì nó làm giảm độ tin tưởng của bài viết.

3.5. Kết luận với văn phong hoa mỹ

          Câu cuối cùng nên nhẹ nhàng, có chủ điểm và khiêu khích. Nói thì dễ hơn làm. Nhưng hãy cứ bắt đầu với việc minh họa chủ đề chính của bài viết. Tự hỏi bản thân Chủ đề bài viết của tôi là gì, tôi đang đề cập đến vấn đề gì? rồi từ đó khai triển dần.

          Hãy viết câu cuối với văn phong dí dỏm và một chút phóng khoáng về nội dung bài viết. Như vậy phần kết luận sẽ thu hút.

          Bộc lộ cảm xúc. Bài viết gần như rất hợp lý nhưng vẫn còn thiếu một chút cảm xúc. Đó là lý do tác giả nên đặt cảm xúc vào phần kết luận. Hãy làm đúng cách và nó sẽ giúp bài viết của tác giả có tâm hồn. Chỉ cần đảm bảo phần kết luận vẫn có giọng điệu phù hợp với phần còn lại của bài viết.

          Thêm phần kêu gọi hành động (không nên lạm dụng). Nếu bài viết với mục đích làm mọi người thay đổi, vậy việc bổ sung phần kêu gọi hành động sẽ là công cụ hữu ích để làm nổi bật phần nội dung. Nhưng đừng lạm dụng: Nếu dùng nhầm văn cảnh (một bài bình luận, hoặc lý luận) sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

4. Nên và không nên sử dụng trong khi viết kết luận

 

4.1. Một số cụm từ không nên sử dụng để bắt đầu kết luận

Bắt đầu của một kết luận nên tránh các cụm từ “Kết luận lại”, “Tóm lại” hoặc “Để kết thúc”. Bởi vì chúng được sử dụng quá thường xuyên nên trở nên khô cứng và sáo rỗng.

4.2. Đừng chỉ tái khẳng định luận điểm

          Một vấn đề thường gặp ở phần kết luận là mọi người chỉ tái khẳng định luận điểm theo cách thông thường và tóm tắt lại những gì đã trình bày. Việc này không tạo lý do chính đáng để người đọc đọc phần kết luận vì họ đã biết trước những gì tác giả định viết.

          Thay vào đó, hãy đưa người đọc lên “một tầm cao mới” trong phần kết luận, hoặc cung cấp một số thông tin khác về ý tưởng ban đầu.

4.3. Không nên trích dẫn

          Thông thường tác giả không cần trích dẫn hay phân tích ở phần kết luận - hãy làm thế ở phần thân bài. Kết luận là phần đúc kết mọi thứ, không phải là phần giới thiệu thông tin mới.

4.4. Không dùng ngôn từ rườm rà

          Đừng dùng quá nhiều từ ngữ bay bổng trong kết luận. Tác giả muốn phần kết luận phải đọc được và cũng dễ hiểu, không cứng nhắc và nhàm chán. Tốt hơn nên dùng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích thay vì viết vòng vo với quá nhiều từ dài dòng.

          Không dùng "Thứ nhất", "Thứ hai", "Thứ ba",...  để đánh dấu luận điểm. Hãy làm rõ tác giả đang nói về vấn đề gì và có bao nhiêu luận điểm.

4.5. Không thêm thông tin mới vào kết luận

          Giờ không phải lúc để giới thiệu ý tưởng hay nội dung mới. Điều này sẽ làm mất tập trung vào phần lập luận ban đầu và làm người đọc nhầm lẫn. Đừng làm mọi thứ rối tung, hãy viết về nội dung và luận điểm mà tác giả nghĩ tới sau khi tiến hành công đoạn phân tích cần thiết.Đừng tập trung vào một điểm nhỏ hay một vấn đề trong bài viết. 

          Phần kết luận không phải là nơi để nêu lại một chủ đề nhỏ của bài viết. Trên thực tế, đây là lúc để khái quát lại toàn bộ nội dung. Đảm bảo rằng bài viết đã tập trung vào luận điểm, chứ không đi lệch theo một hướng. Những lời này không phải cách hay để bắt đầu một sự chuyển đổi.

4.6. Luôn rà soát lại sau khi viết kết luận

          Luôn nhớ đọc lại bài viết sau khi hoàn thành. Kiểm tra lỗi ngữ pháp, chính tả và dấu câu. Có những trường hợp xảy ra, sau khi viết kết luận, mới phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong phần nội dung.

          Luôn đảm bảo phần thông tin liên quan ở phần kết luận. Đồng thời cũng nhắc lại luận điểm để người đọc hiểu được lý do tác giả chọn đề tài.

5. Ví dụ

5.1. Ví dụ viết kết luận tốt

          Khi viết kết luận của một bài báo khoa học với tiêu đề là "Một thuật toán và công cụ hiệu quả để phát hiện các lỗ hổng website nguy hiểm", tác giả viết đoạn kết luận bao gồm 5 câu (thứ tự câu được viết trong ngoặc) như sau:

          (1) Trong bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến một số lỗ hổng bảo mật phổ biến trên web, chẳng hạn như SQL tiêm, XSS, BoF, FI, SI. (2) Qua đó, chúng tôi đề xuất một thuật toán và cải tiến để nâng cao hiệu quả phát hiện các lỗ hổng Website. (3) Các thuật toán được sử dụng để xây dựng công cụ quét là UTLWebScanner, thực hiện kiểm tra và so sánh với một số chương trình phần mềm thương mại có chức năng tương tự như Acunetix, Nessus và Arachni trên các bộ dữ liệu tiêu chuẩn. (4) Kết quả cho thấy công cụ của chúng tôi có tỷ lệ phát hiện lỗi cao trên các Website và có ưu điểm là thời gian quét nhanh hơn so với các công cụ chúng tôi sử dụng. (5) Để phát triển hơn nữa, chúng tôi sẽ phát triển cơ sở dữ liệu của phần mềm, áp dụng các kỹ thuật học máy để tăng hiệu suất quét và đưa ra dự đoán về vị trí của lỗ hổng để tập trung tìm kiếm.

          Chúng ta thấy kết cấu của đoạn kết luận trên như sau:

          - Câu (1) và (2): Phát biểu lại mục đích của bài báo là đề xuất một thuật toán cải tiến phát hiện lỗ hổng bảo mật, đồng thời cũng khái quát nêu một phần nội dung chính của bài báo đã triển khai là "đề cập đến một số lỗ hổng bảo mật phổ biến".

          - Câu (3) tóm tắt nội dung chính của phương pháp tiến hành trong bài báo, đây là kết quả chính của bài báo là xây dựng một công cụ quét.

          - Câu (4) khẳng định là kết quả nêu ở câu (3) là có độ tin cậy, đã chứng minh trong nội dung chính của bài báo.

          - Câu (5) Khẳng định và hướng mở rộng nâng tầm kết quả bài báo.

5.2. Ví dụ viết kết luận chưa tốt

          Khi viết kết luận của một luận văn thạc sĩ với tên đề tài là "Phân  tích  tự  động  các Website để  phát hiện lỗ  hổng tiêm nhiễm SQL  và XSS", tác giả luận văn đã viết kết luận của luận văn, tuy cơ bản đáp ứng được một số thông tin cần có của một kết luận nhưng cách viết chưa thực sự tốt, mang lại những ấn tượng cho người đọc. Cụ thể kết luận được viết như sau:

          "(1) Qua một thời gian nghiên cứu, được sự giúp đỡ tận tình của giáo viên hướng dẫn, các đồng nghiệp, gia đình, đến nay luận văn “Phân tích tự động các Website để phát hiện lỗ hổng tiêm nhiễm SQL và XSS ” cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra:

          (2) + Nghiên cứu các lỗ hổng an ninh ứng dụng web, phương pháp khai thác lỗ hổng an ninh SQLi, XSS với từng loại CSDL, cách thức bypass việc lọc các ký tự đầu vào do người lập trình thiết lập.

          (3) + Xây dựng phần mềm có các chức năng: crawler, phát hiện và khai thác lỗ hổng an ninh SQLi và XSS, dò quét các file nhạy cảm, đường dẫn đăng nhập, brute force tài khoản đăng nhập FTP và RDP.

          (4) + Tiến hành xử lý song song, lập lịch có thể thực hiện dò quét nhiều mục tiêu đồng thời trên cả 05 chức năng là: crawler, dò quét SQLi, XSS, tìm file nhạy cảm, đường dẫn đăng nhập.

          (5) + Phần mềm này có khả năng phát hiện và khai thác tốt một số mục tiêu mà các phần mềm quét hiện tại không thực hiện được.

          (6) Hướng phát triển: Trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện các chức năng như: nghiên cứu bổ sung thêm các giải pháp bypass nâng cao trong khai thác lỗ hổng SQLi; giải pháp bypass ký tự metadata trong khai thác XSS, xây dựng bộ từ điển tương đối đầy đủ brute force tài khoản FTP, RDP; thử nghiệm với nhiều website đầu vào để có thể khai thác nhiều nhất các dạng SQLi và XSS. Ngoài ra,một số tính năng mới cũng sẽ được bổ sung thêm như crack mật khẩu, cài mã độc lên máy chủ, truy cập file hệ thống…, phát triển phần mềm thành công cụ kiểm tra lỗ hổng an ninh ứng dụng web tương đối hoàn thiện.".

          Nhận xét: căn cứ vào những cấu trúc và những điều nên và không nên trong khi viết kết luận, rõ ràng cách viết của tác giả là chưa được tốt. Chẳng hạn:

          - Câu (1) "Qua một thời gian..." mở đầu cho phần kết luận là không cần thiết, và nội dung của nó nằm ngoài phạm vi kết luận.

          - Câu (2) "Nghiên cứu...", kể về công việc nghiên cứu là không nên mà phải khẳng định kiến thức thu được đã trình bày sau khi nghiên cứu.

          - Câu (3) "Xây dựng...", kể về về việc xây dựng phần mềm là không nên mà phải khẳng định phần mềm đã xây dựng có khả năng gì...

          - Câu (4) nói về cách làm để xây dựng ra phần mềm ở (3), minh họa cho phần mềm ở (3) là tốt.

          - Câu (5) nói về minh chứng cho khẳng định phần mềm ở (3) là tốt.

          - Câu (6) hướng mở rộng của đề tài.

6. Kết luận

          Viết một kết luận hiệu quả trong khi viết tiểu luận, luận văn, bài báo, bài viết là hết sức cần thiết cho bất kỳ một tác giả nào, tuy nhiên không phải tác giả nào cũng có những kỹ năng, kỹ thuật để viết phần kết luận hiệu quả.  Để viết kết luận tốt cần chú ý những kỹ thuật, công việc cơ  bản như: đặt câu hỏi "vậy thì sao?" để hướng tới cách viết tốt nhất; đọc kỹ toàn bộ bài viết và viết tóm tắt những ý chính của toàn bộ bài viết; khẳng định những ý chính đưa ra là xác đáng, chính xác. Ngoài ra cũng nên tránh những lỗi cơ bản có thể mắc phải khi viết kết luận. Cấu trúc và cách viết đã được phân tích qua các ví dụ viết tốt và viết chưa tốt. Người đọc dễ dàng tiếp cận và vận dụng những kỹ năng, phương pháp viết kết luận đã được giới thiệu của bài viết. Để tăng thêm kỹ năng viết, người đọc nên kiểm tra lại, rà soát lại những kết luận đã viết của mình trong các bài viết trước đây so với những khuyến cáo trong bài viết này dễ thấy rằng việc viết đó đã hiệu quả hay chưa, từ đó sẽ cải thiện kiến thức và kỹ năng viết kết luận của độc giả.

Tài liệu tham khảo: https://www.wikihow.vn/Vi%E1%BA%BFt-K%E1%BA%BFt-lu%E1%BA%ADn-cho-B%C3%A0i-Ti%E1%BB%83u-lu%E1%BA%ADn


https://www.wikihow.com/Write-a-Conclusion-for-a-Research-Paper