Luật An ninh mạng; Công cụ, phương pháp, kỹ thuật An ninh mạng; Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo vệ lý luận, chính trị, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trên không gian mạng; Tuyên truyền gương người tốt việc tốt,...
Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014
Viết mục tiêu bài giảng hay học phần như thế nào cho đúng?
Viết mục tiêu bài dạy/ học phần như thế nào cho đúng?
Cùng với nội dung và phương pháp giảng dạy, mục tiêu giảng dạy là yếu tố không thể thiếu và có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố khác trong quá trình dạy học. Tuy không phải là “xương sống” của một giáo án nhưng phần mục tiêu bài giảng có ý nghĩa quan trọng để làm nên thành công của tiết dạy.
Một tiết giảng hay không chỉ căn cứ vào hoạt động của thầy và trò diễn ra như thế nào, sử dụng phương pháp và phương tiện gì mà điều cốt yếu là tiết giảng đó có đạt được mục tiêu đề ra hay không? Việc xác định không đúng hoặc không rõ ràng mục tiêu bài giảng thì khó mà dạy hay, dạy tốt; giáo viên và học sinh dễ lạc vào một “rừng tri thức” mà không biết đích đến. Vì vậy, xin trao đổi với quý thầy cô một vài nội dung liên quan đến vấn đề này như sau:
1. Mục tiêu bài giảng là gì?
Mục tiêu nói chung là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện một hoạt động.
Mục tiêu bài giảng có nhiều cách diễn đạt, chẳng hạn như:
Mục tiêu dạy học là cái đích mà học sinh, sinh viên phải đạt được sau khi học; đó chính là “đích” cuối cùng mà cả thầy và trò đều phải hướng tới.
Mục tiêu bài giảng là kết quả mà giáo viên mong muốn người học đạt được sau bài giảng.
Mục tiêu bài giảng là tuyên bố về những gì mà người học phải hiểu rõ, phải nắm vững và phải làm được sau bài dạy của người thầy.
Mục tiêu bài giảng nói về việc người học sẽ học như thế nào hoặc có khả năng làm được gì sau khi kết thúc một bài giảng.
Như vậy, theo quan điểm “dạy học hướng vào học sinh, sinh viên” thì mục tiêu dạy học đề ra là hướng vào phía học sinh, sinh viên chứ không phải phía giáo viên. “Mục tiêu thực hiện là một lời phát biểu mô tả kết quả thực hiện đã dự định của học sinh vào cuối buổi dạy”. (Robert F. Mager, 1994)
2. Ý nghĩa của mục tiêu bài giảng
Mục tiêu dạy học nói chung và bài giảng nói riêng có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó định hướng và giúp giáo viên lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học của mình và khi thực hiện, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của kế hoạch này. Nó còn định hướng cho việc tìm hiểu các tài liệu dạy học, là cơ sở xác định các kết quả học tập của học sinh, sinh viên và kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng, một chương trình đào tạo.
Không có tiết giảng nào hiệu quả mà lại thiếu mục tiêu bài giảng. Một bài học thiếu mục tiêu hoặc xác định mục tiêu không đúng, không rõ ràng giống như một chiếc thuyền ra khơi mà không xác định được đích đến hay người đi vào một khu rừng mà không biết mình đang đi đâu, không ý thức được bằng cách nào để đi đến đích và không biết được khi nào thì mình sẽ đến đích.
Do đó, đối với giáo viên, một mục tiêu được xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giáo viên lựa chọn và sắp xếp nội dung bài giảng cho phù hợp. Mục tiêu bài giảng định hướng cho các bước tiếp theo trong kế hoạch bài dạy. Dựa trên mục tiêu, giáo viên lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho bài giảng có kết quả tốt nhất. Mục tiêu bài giảng còn là cơ sở để giáo viên xây dựng các câu hỏi, bài kiểm tra và các hình thức kiểm tra nhằm đánh giá được tình trạng nhận thức của học sinh, sinh viên, đo lường năng lực của học sinh, sinh viên sau tiết giảng hay sau một học phần. Mục tiêu bài giảng là căn cứ để giáo viên đánh giá được sự tiến bộ của học sinh, sinh viên đến mức nào theo chuẩn đã định, tạo niềm say mê, hứng thú nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm trong quá trình dạy học.
Đối với học sinh, sinh viên, nắm được mục tiêu bài giảng mà giáo viên đặt ra sẽ giúp họ tự xác định cái đích mà mình cần hướng tới trong quá trình học môn học, bài học hay tiết học. Từ đó, học sinh, sinh viên biết lựa chọn tài liệu học tập, phương pháp học tập, tự tổ chức quá trình học tập của bản thân theo một định hướng rõ ràng nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện được mục tiêu bài giảng sẽ phát triển được ở người học các năng lực trí tuệ, các phẩm chất tư duy, các kĩ năng hành động, hình thành thái độ và cả niềm say mê học tập đối với môn học.
3. Yêu cầu đối với mục tiêu bài giảng
- Phải được diễn đạt theo yêu cầu của người học chứ không phải theo chức năng của người dạy.
- Phải được diễn đạt bằng một động từ hành động đơn nghĩa (dễ hiểu và hiểu thống nhất như nhau) và tập trung vào kết quả.
- Phải bao quát đủ cả 3 lĩnh vực chung của học tập đó là: kiến thức, kỹ năng, thái độ.
- Phải thích đáng (quan trọng, thiết thực, phù hợp) và khả thi (có thể thực hiện được).
- Phải phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên (đặc điểm tâm sinh lý, trình độ hiện có của học sinh, sinh viên).
- Kết quả mong đợi của mục tiêu bài giảng phải được diễn tả dưới dạng hành vi có thể quan sát thấy được (có khả năng đo lường được), xác định được hoàn cảnh mà hành vi sẽ diễn ra cũng như thời gian và điều kiện thực hiện.
4. Kỹ thuật viết mục tiêu bài giảng
Mục tiêu bài giảng phải viết dưới góc độ người học và bắt đầu bằng một động từ hành động tương ứng với các cấp độ nắm vững kiến thức và có bổ ngữ làm rõ nghĩa cho động từ đó. Không nên sử dụng các động từ chung chung không đo đạc được để viết mục tiêu.
Mục tiêu có chức năng chỉ đạo cho việc thiết kế những giai đoạn tiếp sau của bài học. Do đó, việc lựa chọn các thuật ngữ hay mệnh đề chính xác để phát biểu mục tiêu là một kĩ thuật hết sức quan trọng, đòi hỏi giáo viên phải chú ý tích luỹ kinh nghiệm thực tế.
Những cụm từ thường thấy trong các giáo án hiện nay như: nắm vững, nắm được, hiểu rõ, tìm kiếm, có khả năng, suy nghĩ, có kiến thức, trang bị cho học sinh… đều chưa phải là ngôn ngữ phát biểu mục tiêu học tập. Nên tránh lạm dụng những câu hay mệnh đề thừa trong mục tiêu bài giảng như: Học sinh cần nắm được..., Sau khi học bài này học sinh sẽ hiểu..., Bài này giúp học sinh nắm vững..., Học sinh có thể tìm ra... Đương nhiên, mục tiêu bài giảng phải được phát biểu với tư cách những kết quả mà học sinh cần đạt được, chứ không dành cho ai khác.
Mở đầu mục tiêu bài giảng bao giờ cũng là “Sau khi học xong bài giảng (tiết giảng), học sinh, sinh viên có khả năng về “kiến thức”, “kỹ năng”, “thái độ”, trong đó :
- Kiến thức: “Là thông tin được chứa trong não”. Các thông tin này có thể bao gồm: sự kiện thực tế; khái niệm; nguyên lý; quy trình; quá trình; cấu trúc,...
Để viết được mục tiêu bài giảng lý thuyết về mặt kiến thức, cần nắm vững 6 mức độ kiến thức do Benjamin Bloom (nhà giáo dục hàng đầu ở Mỹ) đề xuất, từ đó có thể sử dụng các động từ sao cho phù hợp ứng với mỗi mức độ như sau:
+ Biết: Nhắc lại được, kể tên được, trình bày được, nêu được, điền vào, xác định, liệt kê, đặt tên, nhớ lại, nêu lên, kể ra, viết ra… Ví dụ: Có thể nhắc lại được định nghĩa cung, cầu
+ Hiểu: Diễn đạt được, báo cáo, sắp xếp, tính toán, lựa chọn, tóm tắt, khái quát hóa, xây dựng, chứng minh, phân biệt, minh họa, chọn lựa, giải thích được nội dung, mô tả được hình thức hay cấu trúc, phân tích được thành phần, so sánh được mức độ khác nhau hay giống nhau... Ví dụ: Cho A và B có thể làm được C.
+ Áp dụng: Thể hiện, ứng dụng, trình diễn, minh họa, bố trí, hoàn thành, áp dụng, liên hệ, giải quyết, so sánh, soạn thảo, thiết lập, xếp hạng, phát hiện được, tìm ra được,.... Ví dụ: Vận dụng quy luật đường cầu để tìm ra mối quan hệ giữa giá và sản lượng tiêu thụ.
+ Phân tích: Phân tích, phân hoá, phân loại, đánh giá, so sánh, tính toán, đối chiếu, phân biệt, tìm sự khác nhau, tách ra… Ví dụ: Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng đến cung, cầu.
+ Tổng hợp: Soạn thảo được, tổng kết, hệ thống, lập kế hoạch, thiết kế, bố trí, thiết lập, kết hợp, hình thành, lập kế hoạch, đề xuất, liên hệ… Ví dụ: Tổng hợp được các số liệu để viết một báo cáo hoặc thiết kế (vẽ) được một sơ đồ kế toán...
+ Đánh giá: Nhận xét được, đánh giá được, xếp hạng, so sánh, chọn lựa, định giá, cho điểm, lập luận, xác định giá trị, phê phán, nhận xét, bảo vệ, khẳng định… Ví dụ: Đánh giá một phương án thiết kế, một kế hoạch, một kết cấu...
- Kỹ năng: "Là hoạt động quan sát được những phản ứng mà một người thực hiện nhằm đạt được mục đích". Kỹ năng được chia ra: kỹ năng nhận thức và kỹ năng thực hành.
Giáo viên cần xác định rõ học sinh, sinh viên sẽ đạt được các kỹ năng gì sau khi học xong bài giảng. Cần sử dụng các động từ để mô tả mức kỹ năng cần đạt được từ đơn giản đến phức tạp, từ biết đến thực hiện thuần thục được một hành động hay một hành vi nào đó ở một trình độ nhất định (đúng mẫu, nhanh đến đâu, chính xác ở mức độ nào) như: kể được, vẽ được, thực hành được, thực hiện được, soạn thảo được, định khoản được, làm được, vận dụng được, lắp ráp được, vận hành được, sáng tác được, cải tiến được, thiết kế được, nhận biết được, tiến hành, hoàn thành, giải quyết vấn đề, thực hiện, quan sát, thu thập, sử dụng, đo lường, lập kế hoạch, chẩn đoán, chế biến, ước lượng, tập hợp, xây dựng, tổ chức, phân tích, xem xét, phát hiện, áp dụng, sử dụng, xử lý, đọc được đúng các…
- Thái độ: “Là cảm nhận của con người và cách ứng xử của họ đối với một công việc nào đó”. Thái độ biểu hiện có thể mang tính chất cá nhân (thói quen) hoặc hành vi liên cá nhân, bao gồm 2 loại thái độ: thái độ quan sát được và thái độ không quan sát được.
Giáo viên cần xác định rõ học sinh, sinh viên có thái độ như thế nào sau khi học xong bài giảng. Cần sử dụng các cụm từ để diễn tả các mức độ về thái độ như: qua tiết giảng hình thành được đức tính cẩn thận, trung thực, kiên trì, ý thức trách nhiệm trong công việc, ý thức và đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, nhận thức được, tôn trọng, chấp nhận, đồng tình, ủng hộ, yêu thích, phê phán, bác bỏ, hợp tác, phán xử, tuân thủ, thay đổi, hợp nhất, sửa đổi, tin tưởng, nghiêm túc, chủ động đề xuất, biết tiết kiệm, đảm bảo an toàn, phối hợp…
Ví dụ: Khi dạy bài lý thuyết “Kế toán vốn bằng tiền” nằm trong học phần “Kế toán tài chính” chuyên ngành kế toán doanh nghiệp. Mục tiêu bài dạy ở cấp độ thấp theo B.J. Bloom có thể được viết như sau:
- Kiến thức: Trình bày được nội dung các khoản vốn bằng tiền
Kể tên những chứng từ cơ bản có liên quan khi kế toán vốn bằng tiền
Vẽ và nhắc lại được nội dung, kết cấu của TK 111, TK 112, TK 113
- Kỹ năng: Định khoản và ghi chép được các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào sổ sách kế toán có liên quan theo hình thức kế toán Nhật ký chung.
- Thái độ: Tôn trọng các nguyên tắc kế toán vốn bằng tiền theo qui định hiện hành.
Có thể khẳng định lại thêm một lần nữa rằng một bài giảng thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó khâu chuẩn bị giáo án lên lớp là hết sức quan trọng. Mục tiêu bài giảng tuy không phải là phần trọng tâm của một giáo án, không lộ diện trong giờ lên lớp nhưng đó chính là cái “đích” cuối cùng mà cả thầy và trò đều phải hướng tới. Nó là sợi chỉ xuyên suốt trong việc dẫn đường chỉ lối để làm nên thành công của một tiết giảng. Vì thế, khi bắt tay vào công việc soạn giáo án lên lớp, giáo viên cần phải xác định đúng, cụ thể và rõ ràng mục tiêu bài giảng. Thật sai lầm nếu ta xem nhẹ phần việc này.
Vì vậy, mỗi giáo viên nhà trường với niềm say mê và nhiệt huyết, hãy cố gắng để trau dồi chuyên môn, chuẩn bị kỹ và nắm chắc giáo án trước khi lên lớp để bài giảng của chúng ta ngày càng sinh động, cuốn hút và hứng thú hơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét