Một người dùng Facebook đưa ra phân tích về lò sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ.
Thông tin được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở ở Hà Nội. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).
Cho rằng thống kê nói trên có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm vì có thể "đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong một năm", nên người dùng Facebook nói trên đã thống kê cho cả năm 2015 để cho số liệu chính xác hơn.
Cụ thể, trong năm 2015, từ 1/1 đến 31/12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
Thông tin trên nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn (chưa tính các lĩnh vực an ninh - quốc phòng) càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Vài năm sau là các vị tiến sĩ này thành phó giáo sư, giáo sư hết và sẽ nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ địa phương đến trung ương.
"Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước", vị giáo sư nhận định.
Một số đề tài được người dùng Facebook mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Trả lời báo chí, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1-2 luận án được bảo vệ, có ngành còn không có người nào.
Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, ông Thắng giải thích, đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, còn hiện nay, luận án đã đi vào với những đề tài thiết thực với cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét