Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

TAM ĐOẠN LUẬN VÀ GIỚI HẠN CỦA LUẬN LÝ

(Theo nguồn Internet)

Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát hai lý luận căn bản nhất trong luận lý học, mà ta dùng hằng ngày, để hiểu rõ và nắm vững chúng trong đời sống và công việc hằng ngày. Đó là tam đoạn luận suy diễn và tam đoạn luận quy nạp. Đồng thời ta sẽ cảnh báo về các giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ và lý luận.

• Tam đoạn luận hầu như là nền tảng của phần lớn, nếu không nói là tất cả, suy tư của con người. Tam đoạn luận là lý luận ba câu. Ví dụ: (1) Mọi người đều chết. (2) Ông Xuân là người. (3) Vì vậy, ông Xuân sẽ chết. Hai câu đầu (1) và (2) của tam đoạn luận nầy là 2 tiền đề–tiền đề 1 và tiền đề 2. “Tiền” là trước (không phải là “money”, nhưng nếu bạn hiểu là money cho dễ nhớ thì cũng tốt, vì money thường đi trước mọi sự :-)), tiền đề là mệnh đề đi trước; câu (3) là kết đề, tức là kết luận rút ra từ hai tiền đề.
Tam đoạn luận trên đây là tam đoạn luận suy diễn, nó vì nó “suy” từ cái chung (mọi người) đến cái riêng (ông Xuân).

• Lý luận theo chiều ngược lại, từ VÀI cái riêng đến cái chung, goi là quy nạp. Và quy nạp thì dựa vào quan sát các trường hợp cá nhân, mà “quy” về một định luật chung cho tất cả. Ví dụ: (1) Hùng Vương chết, Hai Bà Trưng chết, Trần Hưng Đạo chết, Quang Trung chết, ông tôi chết, bà tôi chết, v.v.. (2) Các vị đó là người. (3) Vì vậy, mọi người đều phải chết.

• Hai tam đoạn luận này ta dùng rất thường xuyên trong ngày, nhưng gọn gàng hơn. Ví dụ, suy diễn kiểu các bà :-): “Ông này làm gì mà ôm điện thoại đi ra xa, nói nhỏ xíu. Chắc là liên hệ bất chính với cô nào rồi.” Đây là rút ngắn của môt tam đoạn luận: (1) Đàn ông nói điện thoại cách bí mật là có liên hệ bất chính với đàn bà. (2) Ông này đang bí mật. (3) Vì vậy, ông này có liên hệ bất chính.

argument1

• Lỗi lầm thường thấy nhất trong tam đoạn luận suy diễn là tiền đề đầu tiên thường quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Trong ví dụ trên, ở tiền đề 1, ta thấy ngay là nói chuyện bí mật đâu nhất thiết có nghĩa là có liên hệ bất chính, giả sử đó là bí mật quốc phòng hay bí mật nghề nghiệp thì sao?

Muốn cho chính xác hơn thì ta phải “thu nhỏ” lại một tí,và nói theo kiểu xác suất. Ví dụ: (1) Đàn ông, không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp, mà nói chuyện bí mật thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính. (2) Ông này không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp mà cứ nói chuyện kiểu bí mật trước mặt mình, (3) thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính.

“Khả năng cao” thì khá chính xác trên phương diện lý luận, nhưng không mạnh như trăm-phần-trăm. Vì vậy, các quí vị thiếu kinh nghiệm thuyết phục thường cứ cố ăn nói viết lách kiểu trăm-phần-trăm cho mạnh mẽ, nhưng làm người nghe và người đọc nhận ra ngay là mình lớ ngớ và không thành thật.

• Điểm yếu của tiền đề 1 của tam đoạn luận suy diễn cũng chính là điểm yếu của kết đề của tam đoạn luận quy nạp. (1) Tôi thấy ông A nói điện thoại bí mật và có liên hệ bất chính. (2) Tôi cũng thấy ông B cũng vây; ông C cũng vậy.… (3) Vì vậy, hễ đàn ông nói chuyện điện thoại bí mật là có liên hệ bất chính.

Kết luận này quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm, cho nên không tin được. Nếu giảm lại một tí theo cách nói xác suất thì dễ tin hơn: “Vì vậy, hễ đàn ông nói điện thoại bí mật là có khả năng có liên hệ bất chính.”

• Cả suy diễn và quy nạp (cũng như mọi luận lý khác của con người) đều có môt điểm rất yếu nữa, đó là các từ ngữ của con người luôn luôn có tính cách mù mờ, dùng tạm qua ngày thôi, chứ không giải quyết điều gì rốt ráo được. Ví du: (1) Hồng nhan thì đa truân. (2) Cô ấy đẹp quá. (3) Thành ra đời cô ấy khổ.

Phản biện: “Trời, con nhỏ đó, cái mặt mẹt như vậy mà chị nói là đẹp. Nó cực vì chuyên môn nói xạo, chớ hồng nhan cái gì!”

Ở đây ta thấy, từ “đẹp” rất mù mờ. Đẹp xấu tùy người đối diện, tùy say hay tĩnh. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ con người cũng đều mù mờ như thế. Cho nên, những người tin rằng có thể dùng ngôn ngữ và lý luận để giải quyết mọi thắc mắc ở đời, tìm ra mọi chân lý ở đời, là những người rất thiếu kinh nghiệm về lý luận.

argument

• Một điểm yếu rất lớn khác nữa là tất cả mọi phương thức lý luận (kể cả tam đoạn luận) chỉ do con người tìm ra được trong cuộc sống mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Tiền đề “Mọi người đều chết”. Ta biết được điều này là do thấy trong lịch sử (qua sách vở) và chung quanh ta ai cũng có lúc chết, cho nên ta “qui nạp” thành kết luận “Mọi người đều chết.” Rồi ta lại mang kết luận quy nạp này làm tiền đề cho một suy diễn mới, “Mọi người đều chết, hắn là người, cho hắn tha hồ ba hoa chích chòe đi rồi cũng có lúc phải chầu chúa thôi!”

Tức là quy nạp, suy diễn, hay bất kỳ lý luận nào ta sẽ học sau này, cũng chỉ là do kinh nghiệm quan sát của con người mà ra. Cho nên, các lý luận này khi gặp điều gì vượt quá vòng kinh nghiệm thường ngày của con người thì hoàn toàn không sử dụng được. Ví dụ: Tự nhiên có một cô gái rất trẻ, nhìn mới hai mươi mấy, đến gặp bạn và nói: “Tôi nói cho cậu bé hay nhé, cậu năm nay cở bốn mấy, thế thì cậu phải gọi tôi là ‘bà tiên tổ’ mới đúng, vì tôi năm nay 3.125 tuổi rồi.” Nếu cô bé này cứ nhất định như thế, và nếu chúng ta không thể chứng minh được tông tích cô này, toàn hệ thống công an cảnh sát của thế giới không có cách nào chứng minh được cô này từ đâu mà có, thì lúc đó ta có thể thấy lời cô ta nói có một cái gì đó có thể có giá trị, chứ chưa chắc là cô ta điên, và qui luật “Mọi người đều phải chết” có thể không dùng được, tối thiểu là trong trường hợp cô bé này.

• Nhận xét trên đây có hậu quả rất lớn cho đời sống con người trên thế giới ngày nay: Trong những lãnh vực xa hơn kinh nghiệm mắt thấy tai nghe (cộng thêm các máy móc phụ mắt và phụ tai), thì toàn hệ thống suy luận của con người không sử dụng được, và đó là lý do tại sao mà tôn giáo và các truyền thông tâm linh luôn luôn sống mạnh cho đến ngày nay, dù là tôn giáo và các truyền thống tâm kinh nói nhiều điều rất khác với kinh nghiệm hằng ngày và lý luận hằng ngày của ta. Các tôn giáo và truyền thống tâm tinh thường nhấn mạnh đến những kinh nghiệm vượt xa kinh nghiệm hằng ngày—Ví dụ: Nói chuyện với Chúa hiện ra trước mặt, nói chuyện với Quan âm Bồ tát hiện ra trước mặt… Ở đây ta không bàn đúng sai, ta chỉ cần hiểu rằng các kinh nghiệm cá nhân siêu hình, dù thật hay không thật, là các kinh nghiệm không thuộc trong lĩnh vực hoạt dộng của ngôn ngữ và lý luận thông thường. Cho nên nếu ta cố gắng tranh biện về các vấn đề này tức là ta rất thiếu kinh nghiệm về ngôn ngữ và lý luận.

• Một điểm quan trọng khác trong việc sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ là: Ngôn ngữ, vì giới hạn rất lớn của nó, thường được sử dụng như là “hé cánh cửa” để mời ta vào bên trong và thấy rõ hơn. Nếu ta không chịu mở cửa bước vào, thì không thể thấy bên trong. Ví dụ: Bạn thường ngày về nhà 6 giờ chiều. Hôm nay không hẹn nhưng lại về 11 giờ đêm, vào nhà thấy nàng còn ngồi đó bên mâm cơm và nói “Em đợi anh từ chiều đến giờ.” Bạn thực sự thấy được gì, thấy được bao nhiêu, trong câu nói đơn sơ nhẹ nhàng đó, hay là chỉ lý luận: “Đến giờ thì đi ngủ đi chứ, tại sao đợi làm gì?”

• Luận lý học là khoa học về sử dụng ngôn ngữ và lý luận chính xác. Nó rất cần cho chúng ta trong công việc và đời sống hằng ngày. Cho nên ta phải nắm vững. Và khi đã nắm vững, ta cũng phải biết ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Khi đọc hay nghe một câu nói, có nghĩa là chúng ta nhận được cái bánh ít bọc lá chuối. Ngôn ngữ lý luận là lớp lá bọc, tư tưởng tâm tình là bánh bên trong. Ta ăn bánh bỏ vỏ, hay ăn vỏ bỏ bánh?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

 Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét