Làm Thế Nào Để Viết Lách Tốt Hơn?
Không phải ai sinh ra cũng có khả năng viết lách. Cũng không nhất định phải học chuyên về mảng xã hội mới có thể viết, mà viết lách là một quá trình dài nó đòi hỏi bạn phải kiên trì. Viết như thế nào mới thu hút được người đọc, sử dụng từ ngữ làm sao cho phù hợp, cách rèn luyện kỹ năng viết mỗi ngày,… câu trả lời nằm trong bài viết này dưới đây.
Mình không phải là sinh viên ngành báo chí hay ngành Văn học thế nhưng mình vẫn có khả năng viết mỗi ngày một bài. Mình đã rèn luyện kỹ năng viết đến nay là được 3 năm, ở bài viết này mình sẽ chia sẻ những phương pháp luyện viết của mình, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn, đặc biệt là những bạn chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
1. Xác định được mục tiêu viết
Đầu tiên bạn cần xác định được mục tiêu viết, bạn viết cho ai? Bạn viết để làm gì? Và bạn viết như thế nào? Điều này vô cùng quan trọng, bởi bạn sẽ không thể duy trì một công việc nếu như không có mục tiêu hay định hướng rõ ràng. Có người tìm đến viết để giải tỏa cảm xúc, cũng có người tìm đến viết để thể hiện đam mê viết lách. Khi đã có sẵn một kế hoạch thì bạn sẽ có động lực viết nhiều hơn.
Gợi ý: Bạn có thể đặt mục tiêu viết mỗi ngày
2. Rèn luyện viết thường xuyên
Không có bất cứ một kỹ năng nào từ trên trời rơi xuống, nếu muốn giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào bạn cũng phải bỏ công sức ra để luyện tập. Và viết lách cũng vậy, nói đến viết thì ai cũng có thể viết được dựa trên sự trải nghiệm của bản thân, thế nhưng bài viết dành cho tất cả mọi người đọc thì đó lại là một chuyện khác. Bạn cần phải viết rất nhiều mới có thể phát hiện ra những thiếu sót của mình.
3. Chủ đề viết rất quan trọng
Viết cần phải sáng tạo thế nên bạn cần phải khai thác và khám phá ở nhiều thể loại cũng như chủ đề khác nhau. Đừng viết lại những gì người khác đã viết cũng đừng bắt chước theo phong văn của một ai đó. Bạn chỉ cần viết bằng chính cảm xúc của mình, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân là được rồi.
Chủ đề viết của bạn có thể là những bài viết thức tỉnh độc giả, bài viết an ủi những nỗi buồn trong cuộc sống.
4. Hãy đọc thật nhiều
Việc đọc không chỉ giúp bạn dung nạp thêm kiến thức mà nó còn làm cho vốn từ của bạn phong phú hơn rất nhiều. Thế nên bạn cần có một thời gian biểu cho việc đọc sách, đọc báo và đọc cái bài viết trên mạng xã hội. Khi đọc và nghiên cứu kĩ bài của một ai đó giúp bạn nhận ra được rất nhiều kinh nghiệm trong việc viết. Có thể kể đến đó là cách sử dụng từ, cách khai thác vấn đề, cách lựa chọn chủ đề viết.
5. Hãy lấy chất liệu nội dung từ cuộc sống
Nam Cao đã từng nói: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng.” Đúng vậy, chất liệu của bài viết được lấy từ cuộc sống ngoài kia sẽ mang lại cảm giác chân thật và gần gũi hơn với độc giả.
Chất liệu nội dung này có thể tìm ở đâu? Rất đơn giản, đó là những trải nghiệm của chính bản thân bạn, của những con người xung quanh bạn. Hoặc có thể đó là câu chuyện của một người nào đó mang lại cảm hứng cho người đọc.
6. Trao đổi kinh nghiệm cùng những người bạn
Bạn có thể trao đổi kinh nghiệm cùng với những người bạn viết lách, mỗi người sẽ cho bạn nhiều góc nhìn khác nhau về việc viết. Từ đó bạn sẽ có thêm kỹ năng viết lách, thế nên đừng ngại trao đổi kinh nghiệm cùng mọi người xung quanh nhé.
7. Lắng nghe ý kiến từ độc giả
Việc được nhận lời khen cho một bài viết chắc chắn sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn nữa cho việc viết. Thế nhưng khi nhận được một phản hồi tiêu cực bạn cũng nên xem xét lại, có thể là bài viết của mình chưa đủ thuyết phục độc giả, bài viết của mình chưa đủ sâu sắc,… Quan trọng nhất chính là phải lắng nghe ý kiến phản hồi từ các độc giả để chúng ta sửa những lỗi bản thân đang mắc phải.
Cuối cùng, muốn rèn luyện bất cứ kỹ năng nào cũng đòi hỏi sự kiên trì của bạn. Viết cũng là một bộ môn nghệ thuật, nếu muốn viết tốt hãy viết nhiều hơn mỗi ngày bạn nhé. Trên đây là những phương pháp mình rút ra được sau hơn 3 năm theo đuổi viết lách. Hy vọng sẽ mang lại cho các bạn nhiều giá trị, đọc sách là một kỹ năng vô cùng quan trọng nếu muốn viết tốt bạn phải có thói quen đọc sách. Đọc để có thêm kiến thức và kỹ năng cũng như trau dồi thêm vốn từ mới có thể viết mỗi ngày.
Cảm ơn bạn đọc đã luôn tin tưởng và theo dõi AnyBooks trong thời gian vừa qua. Sắp tới chúng mình sẽ cho ra thêm nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa, hãy ủng hộ AnyBooks ở các bài viết ở nhiều chuyên mục nhé!
Viết bởi Dương Hạnh - AnyBooks
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét