Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Chất lượng đa số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ kém, lỗi tại ai?

Chất lượng đa số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ kém, lỗi tại ai?
(Vnn) -

 Bàn về vấn đề này theo tiến sĩ Trần Thị Bích Liễu có 4 câu hỏi lớn cần giải mã: Ai muốn có bằng thạc sĩ và luận án tiến sĩ? Học để có bằng hay để phục vụ công việc tốt hơn và vì sao? Vì sao học viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù chất lượng nghiên cứu không đảm bảo? Làm gì để có “chất lượng thật” của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở Việt Nam?
Dưới đây là phân tích của bà. VietNamNet mong nhận được các ý kiến trao đổi. Thư gửi về: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
Ảnh minh họa

Ai muốn có bằng thạc sĩ và luận án tiến sĩ?


Giảng viên các trường ĐH, các trường CĐ, cán bộ quản lí các bộ, các ngành, các tổ chức chính phủ.

Cán bộ, viên chức đi học vì yêu cầu của tổ chức, vì để tăng lương, thăng tiến và giữ được vị trí công việc do những tiêu chuẩn về cán bộ đặt ra. Đó là những mục đích tốt nhưng vì sao chất lượng không được như yêu cầu.

Đi học để có bằng hay để phục vụ công việc tốt hơn?

Khi chất lượng thực hiện công việc (ví dụ như chất lượng giáo dục của những người làm công tác giáo dục) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có thang đánh giá rõ ràng thì mục tiêu học để làm tốt hơn công việc chưa được người học đặt ra một cách nghiêm túc.

Khi hầu hết mọi người trong một tổ chức nào đó ít quan tâm đến chất lượng công việc thì ai đó muốn làm việc có chất lượng và yêu cầu tổ chức đó đảm bảo chất lượng thì người đó sẽ bị lạc lõng và sẽ bị loại trừ. Nên học để làm việc tốt hơn là chuyện khó...
 
Khi đào tạo thạc sĩ trở thành phong trào và nhiều chuyên ngành mở ra các lớp thạc sĩ với số lượng học viên lớn, trong khi số lượng giảng viên ít, không đảm bảo tỉ lệ đào tạo thì khó để thực hiện được nghiêm túc chất lượng đào tạo nên việc học nghiêm túc cũng trở thành xa lạ. Hơn nữa khi phương pháp đào tạo tích cực, hiên đại ít được sử dụng, tài liệu giảng dạy ít cập nhật thì không thể có chất lượng đào tạo tốt để người học có đủ kiến thức và kĩ năng làm việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp.

Khi học viên không dành toàn bộ sức lực và thời gian vào việc học tập (học ít vì vẫn phải tiếp tục làm việc nhiều, học đối phó…) thì không thể có chất lượng học tập tốt nên cũng không có chất lượng làm việc tốt.

Vì sao học viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù chất lượng nghiên cứu không đảm bảo?

Chất lượng nghiên cứu như thế nào là đảm bảo? Một công trình nghiên cứu, đặc biệt là luận án tiến sĩ được yêu cầu phải có tính Mới, tính Ứng dụng, có phương pháp nghiên cứu khoa học đảm bảo độ tin cậy thì mới được xem là đảm bảo chất lượng. Đó là những yêu cầu cũng đã được Luật Giáo dục đưa ra và được Bộ GD-ĐT chi tiết hóa trong quy định đánh giá luận án tiến sĩ (Gồm 10 tiêu chí: 1.Chất lượng phần tổng quan tình hình nghiên cứu (phân tích, đánh giá các phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu; 2.Tính cấp thiết của đề tài; 3. Sự không trùng lặp về đề tài, nội dung, kết quả nghiên cứu và sự không trùng lặp của các công bố trong và ngoài nước; 4.Sự phù hợp của các phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa, độ tin cậy của các kết quả đạt được; 5. Những giả thuyết, vấn đề được phát hiện, những tài liệu, phương pháp mới được áp dụng trong việc chứng minh các giả thuyết, giải quyết các vấn đề đặt ra và đánh giá kết quả nghiên cứu của luận án; 6. Những đóng góp mới có giá trị về lí thuyết hoặc thực tiễn của luận án; 7.Sự liên quan giữa công trình công bố và kết quả chủ yếu của luận án, chất lượng của các bài báo và uy tín của tạp chí bài đăng; 8.Tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tài liệu; 9. Bố cục phù hợp và hình thức trình bày rõ ràng của luận án; 10. Nội dung và hình thức tóm tắt của luận án phản ánh đúng nội dung của luận án).

Tuy nhiên giữa yêu cầu, thực thi và kiểm soát chưa có sự thống nhất: yêu cầu cao và hay nhưng thực thi chưa đúng với yêu cầu và Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa có phương pháp kiểm soát việc thực thi. Gần đây Bộ GD-ĐT yêu cầu thẩm định các luận văn, luận án. Nhưng để việc thẩm định đúng, chính xác và khách quan, Bộ cần giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định lựa chọn luận văn, luận án một cách ngẫu nhiên và chọn người thẩm định có đủ năng lực, đặc biệt là những người được đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH tiên tiến trên thế giới và những người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Chất lượng luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ thuộc về trách nhiệm của những ai?

a.Vai trò, trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn và người học

Một luận văn thạc sĩ được viết trong 6 tháng là một khoảng thời gian đủ để giải quyết một vấn đề nho nhỏ (nói một cách khiêm tốn) và một luận án tiến sĩ được viết trong 4 năm đủ để giải quyết một vấn đề tương đối lớn của thực tiễn.

Tính mới và tính ứng dụng của luận văn, luận án phụ thuộc vào người hướng dẫn. Người hướng dẫn trước hết phải là người cập nhật các thông tin nghiên cứu mới và có biện pháp để khơi gợi học viên thực hiện một đề tài nghiên cứu mới; là người chỉ ra các nguồn tư liệu tham khảo cần thiết, các vấn đề cần nghiên cứu trong luận văn, luận án và yêu cầu học viên phải tuân theo. Người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cần biết đưa ra các câu hỏi khơi gợi ở học viên các vấn đề thực tiễn trong công việc họ cần giải quyết hay của tổ chức nơi họ đang công tác cần được giải quyết để chọn những đề tài có tính ứng dụng thực tiễn. Đối với luận án tiến sĩ họ có trách nhiệm đề cập đến những vấn đề mang tính khoa học cao, các vấn đề nghiên cứu mà quốc tế đang theo đuổi, phát hiện các lỗ hỏng cần được sửa chữa bằng những cách thức mới…để NCS theo đuổi những đề tài có tính mới.

Nhiều học viên đưa ra những yêu cầu vô lí đối với giảng viên như họ không muốn giảng viên bắt làm nhiều bài tập hay đọc nhiều tài liệu, yêu cầu người hướng dẫn đừng bắt họ làm những đề tài mới vì họ không có thời gian để đọc tài liệu, vì còn phải làm việc của cơ quan và bản thân họ không đủ năng lực hay họ làm cũng chẳng để làm gì sau khi tốt nghiệp…Bảo vệ kiểu gì cũng qua và điểm thì không thấp đã tạo nên tính ì của học viên đối với việc làm luận văn và luận án. Học viên không nên sao chép các luận văn, luận án đã bảo vệ trước đó vì điều đó là phạm luật sở hữu trí tuệ và đặc biệt là vấn đề trách nhiệm đối với lương tâm.

Học viên trước hết phải có trách nhiệm với chính việc học tập của mình. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cần có phương pháp đánh giá kiến thức và kĩ năng của học viên một cách chính xác để việc học và dạy diễn ra nghiêm túc hơn.

b.Vai trò, trách nhiệm của hội đồng khoa học

Chấm điểm một cách khoa học khách quan không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ là trách nhiệm và lương tâm của hội đồng khoa học chấm luận văn và luân án tiến sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hội đồng đã không làm được điều này. Thang điểm đánh giá cũng có phần bất cập đối với việc chấm điểm luận văn thạc sĩ nên việc cho điểm của các thành viên hội đồng cũng có phần khó khăn. Không nên sử dụng thang điểm 20 và không nên để một số điểm lớn cho tiêu chí về tính mới của luận văn thạc sĩ. Khi thành viên hội đồng cho điểm cao ở mục này vô hình chung đã đánh giá không chính xác chất lượng luận văn thạc sĩ; còn nếu cho đúng thì điểm luận văn sẽ bị quá thấp trong khi yêu cầu về tính mới đối với luận văn thạc sĩ không cần đặt ra quá cao như đối với luận án tiến sĩ và trên thực tế, luận văn thạc sĩ đa số ít có tính mới. Các tiêu chí đánh giá luận văn thạc sĩ nên là tính thực tiễn, khả năng ứng dụng, phương pháp nghiên cứu khoa học và tính chính xác của thông tin thu thập được, khả năng tổng quan, phân tích các thông tin nghiên cứu… Nên có điểm khuyến khích cho luận văn có tính mới.

Đối với luận án tiến sĩ nên đề cao tính mới, các đóng góp lí luận và thực tiễn của luận án, phương pháp nghiên cứu khoa học và tính chính xác của thông tin, tư duy phê phán và năng lực sáng tạo của NCS…

c.Vai trò của các trường ĐH, Bộ GD-ĐT và của các cấp Lãnh đạo nhà nước

Các cấp Lãnh đạo nhà nước, Bộ GD-ĐT nên có các định hướng chiến lược cho việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thạc sĩ và tiến sĩ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển khoa học trong tương lai; có các chính sách đầu tư phù hợp cho nghiên cứu khoa học; qui định và có yêu cầu rõ ràng về chế độ, chính sách đối với tiến sĩ và thạc sĩ để các trường ĐH có cơ sở thực thi. Ví dụ: Chính phủ yêu cầu các trường ĐH có các chính sách và chế độ khác biệt rõ ràng giữa cán bộ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ và yêu cầu khác biệt đối với công việc và các lợi ích mà họ được hưởng: yêu cầu cao đối với kết quả nghiên cứu khoa học và giảng dạy của tiến sĩ, kèm theo là chế độ lương cao hơn và các điều kiện làm việc tốt hơn. Các trường ĐH phải thực thi hóa các yêu cầu này.

Các trường ĐH cần đảm bảo thời lượng dạy và học về phương pháp nghiên cứu khoa học để người học có đủ kiến thức và kĩ năng nghiên cứu khoa học khi viết luận văn và luận án. Hiện tại thời lượng dạy và học về phương pháp nghiên cứu khoa học còn khá bất cập và còn ít ở nhiều cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Làm gì để có “chất lượng thật”?


Đảm bảo tính hệ thống của việc yêu cầu cao đối với chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ từ chính phủ đến các cơ sở đào tạo, từ người dạy đến người học, từ ban hành chế độ chính sách, chuẩn đánh giá đến việc thực thi và kiểm soát kết quả thực hiện.

Nâng cao chế độ hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến sĩ, chế độ của hội đồng chấm để nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người chấm (Ví dụ, người phản biện phải bỏ ra ít nhất 2 đến 3 ngày để đọc một luận văn thạc sĩ khi phản biện nhưng chỉ được trả 400 đến 500 nghìn đồng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét