Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Lo đối phó “nặng” hơn dạy trò?

Dân trí Thay vì tập trung giảng dạy, trang bị kiến thức cho đối tượng chính của giáo dục là học sinh thì người thầy hiện đang phải gánh “nhiệm vụ” nặng nề hơn là… đối phó với đủ các bậc quản lý trong hệ thống giáo dục.


Dự giờ, thao giảng là hoạt động giáo dục nhằm kiểm tra đánh giá giáo viên, học sinh. Ở đây những “màn kịch” được một số giáo viên chủ động sắp đặt như chuẩn bị trước bài, chỉ định sẵn học sinh trả lời, chỉ dẫn học sinh cách giơ tay, cho học sinh yếu nghỉ học… Ngày càng nhiều "chiêu" “cao tay” của người thầy để tiết dạy diễn ra một cách tròn trịa, đẹp đẽ về mặt đánh giá từ các nhà quản lý. 
Học sinh bị biến thành nạn nhân của sự dối trá với sự chủ động dẫn dắt của người thầy. Chẳng cần ai phải phê phán, chỉ trích, hơn ai hết, bản thân người thầy biết rõ những màn diễn này là phi giáo dục, nếu không muốn nói một cách nặng nề hơn là phi đạo đức. Nhưng bởi vì đâu vẫn có những người thầy sẵn sàng "diễn kịch"?

Xin được lấy một phần nghiên cứu so sánh giữa giáo dục Phấn Lan - mô hình được xem là tốt nhất thế giới hiện nayvà Việt Nam của tác giả Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) để lý giải phần nào. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, ông Trung đã chỉ ra chỉ ra những “sợi dây thòng lọng” đối với người thầy của chúng ta.
Ở nền giáo dục tiên tiến, người thầy toàn quyền trong lớp học, thiết kế bài giảng theo cách của mình. Họ chủ động, được phân quyền, được tin tưởng bởi đã được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản.
Còn giáo viên của ta, họ không có tự do trong công việc. Giáo viên thực hiện công việc dạy học theo cách được “cầm tay chỉ việc”, là thợ dạy, phát ngôn viên của sách giáo khoa. Phía dưới họ là học sinh nhưng bên trên là tầng tầng lớp lớp các bậc thanh tra từ cấp Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn…
Đó là Tiến sĩ Trung còn quên hoặc chưa nhắc đến với hệ thống quản lý chồng chéo, người thầy còn chịu áp lực theo chiều ngang từ UBND huyện/tỉnh.
Riêng hoạt động dạy học thông thường, giáo viên đã bị “đóng khung” với kiến thức, cách truyền thụ. Thì nói gì đến những tiết dự giờ, thao giảng với mục tiêu đánh giá, kiểm tra chất lượng sẽ khó tránh việc giáo viên “làm màu” với mục đích đối phó, vừa lòng cấp trên.
Đằng sau sự màu mè, sắp đặt của một tiết dự giờ, người thầy “ngộp thở” hơn bất kỳ ai với những đánh giá nhận xét. Họ cũng chẳng mặn mà gì mà theo lời một giáo viên: “Lỡ một câu nói hay thao tác chưa chuẩn mực cũng có thế bị chỉnh đốn ngay”.
Bên cạnh tâm lý đối phó, còn là sự ỳ ạch, ngại thay đổi của nhà giáo. Chẳng lẽ những nhà quản lý không nhận ra những giờ dạy của nghệ thuật "sắp đặt"? Biết chứ, họ biết rõ hơn bất kỳ ai là đằng khác. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đánh giá thấp một giờ dạy “trọn vẹn” mà ở đó thầy giỏi, trò thông. Bởi việc kiểm tra, đánh giá vốn cũng rất nặng hình thức, thành tích.
Giáo dục là sự sáng tạo, tìm tòi những cái mới mà những người “cầm trịch” giáo dục lại chọn lối mòn lạc hậu, cũ kỹ và nguy hại nhưng lại… an toàn. Trong mọi lĩnh vực, đối phó sẽ phát sinh sự trì trệ, với giáo dục còn nguy hại hơn khi mà hệ quả sẽ cho ra những "sản phẩm" què quặt và méo mó.
Giáo dục chúng ta đang dịch chuyển theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Một quan điểm tưởng như rất tiên tiến, hiện đại và nhân văn nhưng nếu không đặt người thầy ở vị trí trung tâm thì mọi cải cách đều sẽ không hiệu quả. Bởi một khi thầy còn bị động, bị áp đặt và chống đối thì như một lập trình, trò sẽ còn là nạn nhân của sự dối trá. 
Vị trí “trung tâm” của người thầy không chỉ chuyện thu nhập, nâng cao chất lượng đầu vào mà hơn hết, họ cần không gian tự chủ trong lớp học và trong công việc của mình.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Khái niệm khoa học và nghiên cứu khoa học

Khoa học: Là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới, … về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới này, tốt hơn, có thể thay thế dần những cái cũ, không còn phù hợp. Thí dụ: Quan niệm thực vật là vật thể không có cảm giác được thay thế bằng quan niệm thực vật có cảm nhận.
Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Phân biệt ra 2 hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.
  • Tri thức kinh nghiệm: là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Quá trình nầy giúp con người hiểu biết về sự vật, về cách quản lý thiên nhiên và hình thành mối quan hệ giữa những con người trong xã hội. Tri thức kinh nghiệm được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, tri thức kinh nghiệm chưa thật sự đi sâu vào bản chất, chưa thấy được hết các thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người. Vì vậy, tri thức kinh nghiệm chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, nhưng tri thức kinh nghiệm là cơ sở cho sự hình thành tri thức khoa học.
  • Tri thức khoa học: là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống nhờ hoạt động NCKH, các họat động nầy có mục tiêu xác định và sử dụng phương pháp khoa học. Không giống như tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thu thập được qua những thí nghiệm và qua các sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội, trong tự nhiên. Tri thức khoa học được tổ chức trong khuôn khổ các ngành và bộ môn khoa học (discipline) như: triết học, sử học, kinh tế học, toán học, sinh học,…

NCKH:
Là một họat động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Con người muốn làm NCKH phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.


Đề tài khoa học:

Khái niệm đề tài: Đề tài là một hình thức tổ chức NCKH do một người hoặc một nhóm người thực hiện. Một số hình thức tổ chức nghiên cứu khác không hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu khoa hoc, chẳng hạn như: Chương trình, dự án, đề án. Sự khác biệt giữa các hình thức NCKH này như sau:
Đề tài: được thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật, có thể chưa để ý đến việc ứng dụng trong hoạt động thực tế.
Dự án: được thực hiện nhằm vào mục đích ứng dụng, có xác định cụ thể hiệu quả về kinh tế và xã hội. Dự án có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.
Đề án: là loại văn kiện, được xây dựng để trình cấp quản lý cao hơn, hoặc gởi cho một cơ quan tài trợ để xin thực hiện một công việc nào đó như: thành lập một tổ chức; tài trợ cho một hoạt động xã hội, ... Sau khi đề án được phê chuẩn, sẽ hình thành những dự án, chương trình, đề tài theo yêu cầu của đề án.
Chương trình: là một nhóm đề tài hoặc dự án được tập hợp theo một mục đích xác định. Giữa chúng có tính độc lập tương đối cao. Tiến độ thực hiện đề tài, dự án trong chương trình không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nội dung của chương trình thì phải đồng bộ.
Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
  • Đối tượng nghiên cứu: là bản chất của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.
  • Phạm vi nghiên cứu: đối tượng nghiên cứu được khảo sát trong trong phạm vi nhất định về mặt thời gian, không gian và lãnh vực nghiên cứu.
Mục đích và mục tiêu nghiên cứu: Khi viết đề cương nghiên cứu, một điều rất quan trọng là làm sao thể hiện được mục tiêu và mục đích nghiên cứu mà không có sự trùng lấp lẫn nhau. Vì vậy, cần thiết để phân biệt sự khác nhau giữa mục đích và mục tiêu.
  • Mục đích: là hướng đến một điều gì hay một công việc nào đó trong nghiên cứu mà người nghiên cứu mong muốn để hoàn thành, nhưng thường thì mục đích khó có thể đo lường hay định lượng. Nói cách khác, mục đích là sự sắp đặt công việc hay điều gì đó được đưa ra trong nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi "nhằm vào việc gì?", hoặc "để phục vụ cho điều gì?" và mang ý nghĩa thực tiển của nghiên cứu, nhắm đến đối tượng phục vụ sản xuất, nghiên cứu.
  • Mục tiêu: là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng mà người nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể đo lường hay định lượng được. Nói cách khác, mục tiêu là nền tảng hoạt động của đề tài và làm cơ sở cho việc đánh giá kế hoạch nghiên cứu đã đưa ra, và là điều mà kết quả phải đạt được. Mục tiêu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”.
    • Thí dụ: phân biệt giữa mục đích và mục tiêu của đề tài sau đây.
    • Đề tài: "Ảnh hưởng của phân N đến năng suất lúa Hè thu trồng trên đất phù sa ven sông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long".
    • Mục đích của đề tài: Để tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa.
    • Mục tiêu của đề tài:
      • Tìm ra được liều lượng bón phân N tối hảo cho lúa Hè thu.
      • Xác định được thời điểm và cách bón phân N thích hợp cho lúa Hè thu.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Kỹ năng viết

1. Đoạn văn là gì?
Đoạn văn là một bộ phận của văn bản. Mỗi đoạn văn của một văn bản có tính độc lập tương đối. Nếu tách đoạn văn ra khỏi văn bản thì đoạn văn đó có tư cách như một văn bản nhỏ; còn đoạn văn nằm trong văn bản thì từng đoạn văn vẫn luôn luôn có sự liên kết với các đoạn văn khác.
Về hình thức: Đoạn văn là tập hợp của nhiều câu văn. Bắt đầu bằng chữ viết hoa đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm. 
Về nội dung: Đoạn văn là một thành phần của bài văn. Các câu trong đoạn phải liên kết với nhau, thống nhất về chủ đề, có câu chủ đề. Nội dung đoạn phải thống nhất với chủ đề bài văn.
2. Câu văn là gì?
Câu văn là một bộ phận của đoạn văn. Trong một đoạn văn, các câu văn phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và hình thức.
Các câu văn trong đoạn văn cần phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn. Ví dụ, chuỗi câu sau không tạo thành đoạn văn vì mỗi câu nói về một chủ đề riêng: “Mẹ Vân là bác sĩ. Quần áo ở cửa hàng này rất đẹp. Chiếc ô tô đi nhanh”.
Các câu văn trong đoạn văn cần phải được sắp xếp một cách hợp lý.Ví dụ, chuỗi câu sau cũng không tạo thành đoạn văn vì trật tự sắp xếp không hợp lí: “Mẹ Vân là bác sĩ. Người Trang gặp đầu tiên là mẹ Vân. Trang tìm đến nhà Vân. Bác làm việc ở thành phố”.
Ngoài sự liên kết về nội dung, giữa các câu trong đoạn phải được liên kết bằng những dấu hiệu hình thức nhất định. Người ta thường liên kết các câu bằng các phép liên kết như phép lặp (lặp từ ngữ), phép thế (thay thế từ ngữ), phép nối (dùng từ ngữ để nối), phép liên tưởng,…
* Phép lặp:
- Ta có thể liên kết một câu với một câu đứng trước nó bằng cách dùng bằng cách lặp lại trong câu ấy những từ ngữ đã xuất hiện ở câu đứng trước nó. Ví dụ: Bé thích làm kĩ sư giống bố và thích làm cô giáo giống mẹ. Lại có lúc bé thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại.
- Khi sử dụng phép lặp cần lưu ý phối hợp với các phép liên kết khác để tránh lặp lại từ ngữ quá nhiều, gây ấn tượng nặng nề. Ví dụ câu sau tên riêng được viết lặp: "Páp- lốp nổi tiếng là người làm việc nghiêm túc. Páp- lốp có thói quen làm việc rất thận trọng. Các thí nghiệm của Páp- lốp thường được lặp lại rất nhiều lần…". Trong câu trên, có thể thay thế Páp-lốp bằng từ "ông ấy" để đơn giản hóa câu. Lúc đó câu được viết lại là "Páp- lốp nổi tiếng là người làm việc nghiêm túc. Ông ấy có thói quen làm việc rất thận trọng. Các thí nghiệm của ông ấy thường được lặp lại rất nhiều lần…".

* Phép thế :
Ta có thể liên kết một câu với một câu đứng trước nó bằng cách dùng đại từ hoặc những từ ngữ đồng nghĩa thay thế cho các từ ngữ đã dùng ở câu đứng trước. Việc sử dụng đại từ hoặc từ đồng nghĩa liên kết câu làm cho cách diễn đạt thêm đa dạng, hấp dẫn.
Ví dụ, ba từ "Sông Hương", "dòng sông", "Hương Giang" đều chỉ về một dòng sông, được viết thay thế trong đoạn văn sau đây: "Sông Hương là một bức tranh phong cảnh khổ dài mà mỗi đoạn, mỗi khúc đều có vẻ đẹp riêng của nó. Cứ mỗi mùa hè tới, Hương Giang bỗng thay chiếc áo xanh hằng ngày bằng thành dải lụa đào ửng hồng cả phố phường. Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh rát vàng Sông Hương là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Huế".

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyển hướng nghiên cứu về An toàn thông tin

http://antoanthongtin.vn/Home.aspx?MenuID=80f55dbc-c0bc-4534-98da-ca187d2a4705&=

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Loạt bài về Tín chỉ (1)

http://ttptgiaoduc.sgu.edu.vn/vn/nghien-cuu-khoa-hoc/52/mot-so-van-de-ve-dao-tao-theo-he-thong-tin-chi/

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Bảo mật Lenovo?

Sưu tầm từ Vnexpress

Phần mềm theo dõi trên máy tính Lenovo hoạt động thế nào

Lenovo Service Engine cho phép nhà sản xuất cài phần mềm bất kỳ lên máy tính của người dùng mà họ không biết, khi đó, máy tính không còn là tài sản cá nhân. 
Giữa năm 2015, hãng máy tính Trung Quốc bị phát hiện cài phần mềm Lenovo Service Engine (LSE) trên thiết bị của người dùng. Chương trình này chạy ngầm và hoạt động như một phần mềm gián điệp cũng như rất khó gỡ bỏ khỏi hệ thống. Giữa tháng 12/2015, Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng đã gửi công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc không dùng máy tính Lenovo.
phan-mem-theo-doi-tren-may-tinh-lenovo-hoat-dong-the-nao
Phần mềm LSE được cài trên các máy tính chạy Windows 7 và Windows 8 của Lenovo.
Cả máy tính chạy Windows 7 và Windows 8 của Lenovo (xem danh sách) đều bị cài đặt sẵn phần mềm có tên Lenovo Service Engine (LSE) vào BIOS trên bo mạch chính của máy trước khi xuất xưởng. Trong lần đầu tiên kết nối Internet, người dùng sẽ được thông báo rằng để giúp máy hoạt động ổn định, an toàn hơn, họ cần cài đặt phần mềm tùy biến hệ thống. Nếu chấp nhận, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên Onekey Optimizer. Trong quá trình khởi động tiếp theo, phần mềm sẽ tự động kết nối ngay đến máy chủ của Lenovo để gửi lên một số thông tin cơ bản của máy tính, tự động tải các trình điều khiển và phần mềm khác do Lenovo chỉ định.
Đại diện Lenovo Việt Nam cho biết việc LSE tự động gửi dữ liệu hệ thống về máy chủ là "để giúp Lenovo hiểu rõ khách hàng của mình sử dụng sản phẩm ra sao. Những dữ liệu này hoàn toàn không chứa thông tin cá nhân của người dùng, mà bao gồm tên sản phẩm, tên vùng, thông tin cấu hình máy - gồm dung lượng bộ nhớ, mã SKU, model CPU, độ phân giải màn hình, dung lượng ổ cứng, card màn hình, phiên bản hệ điều hành. Những thông tin này được thu thập và gửi về máy chủ chỉ ở lần đầu tiên máy kết nối với Internet".
phan-mem-theo-doi-tren-may-tinh-lenovo-hoat-dong-the-nao-1
LSE khó xóa bỏ khỏi máy tính của người dùng.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav, phần mềm này được cài vào BIOS (phần điều khiển dưới mức hệ điều hành) nên rất khó xóa bỏ, tự cài đặt lại khi người dùng xóa theo cách thông thường. Có nghĩa, máy tính cá nhân của người dùng không còn là tài sản của riêng họ nữa. 
"Có thể hiểu LSE là phần mềm 'mồi', có thể cài bất cứ phần mềm nào sau đó theo yêu cầu của nhà sản xuất mà người dùng không biết. Phần mềm này được cài ở mức phần cứng của hệ thống nên khó nhận biết, nếu bị khai thác với mục đích xấu thì máy tính có thể bị kiểm soát, đánh cắp dữ liệu hoặc trở thành máy tính ma (botnet) được huy động vào các cuộc tấn công từ chối dịch vụ", ông Tuấn Anh nhận định. "Việc cài đặt phần mềm theo dõi hành vi của người sử dụng mà không thông báo hoặc thông báo một cách không rõ ràng, nhất là việc cài đặt sẵn đối với các máy tính mới từ nhà sản xuất khiến người sử dụng rất khó nhận biết và có thể ảnh hưởng tới thông tin cá nhân của người sử dụng".
Nguy hiểm hơn nữa, chuyên gia bảo mật Roel Schouwenberg đã phát hiện một lỗi tràn bộ đệm trong LSE có thể bị kẻ xấu khai thác để giành quyền kiểm soát máy tính ở cấp độ cao nhất. Lenovo cho biết, lỗ hổng bảo mật này có liên quan tới cách thức Lenovo sử dụng cơ chế Microsoft Windows trong tính năng LSE ở bản firmware BIOS được cài đặt trên máy tính người dùng của hãng.

Nhận dạng là gì?

Mang tiếng là chuyên gia về nhận dạng mà khi hỏi nhận dạng là gì không định nghĩa một cách thuộc lòng được. Hóa ra trong đống tài liệu của mình đã có, mình đã lướt qua trong một báo cáo nào đó. Trong đó có ghi:

Nhận dạng (pattern recognition) là một ngành thuộc lĩnh vực học máy (machine learning). Nhận dạng nhằm mục đích phân loại dữ liệu (là các mẫu) dựa trên: hoặc là kiến thức tiên nghiệm (a priori) hoặc dựa vào thông tin thống kê được trích rút từ các mẫu có sẵn. Các mẫu cần phân loại thường được biểu diễn thành các nhóm của các dữ liệu đo đạc hay quan sát được, mỗi nhóm là một điểm ở trong một không gian đa chiều phù hợp. Đó là không gian của các đặc tính để dựa vào đó ta có thể phân loại. Quá trình nhận dạng dựa vào những mẫu học biết trước gọi là nhận dạng có thầy hay học có thầy (supervised learning); trong trường hợp ngược lại là học không có thầy (unsupervised learning).
Trong lý thuyết nhận dạng nói chung có ba cách tiếp cận khác nhau:
- Nhận dạng dựa vào phân hoạch không gian.
- Nhận dạng cấu trúc.
- Nhận dạng dựa vào kỹ thuật mạng nơ ron.
Hai cách tiếp cận đầu là các kỹ thuật kinh điển. Cách tiếp cận thứ ba hoàn toàn khác. Nó dựa vào cơ chế đoán nhân, lưu trữ và phân biệt đối tượng mô phỏng theo hoạt động của hệ thần kinh con người. Các cách tiếp cận trên sẽ trình bày trong các phần dưới đây.

Các ứng dụng phổ biến là nhận dạng tiếng nói tự động, phân loại văn bản thành nhiều loại khác nhau (ví dụ: những thư điện tử nào là spam/non-spam), nhận dạng tự động các mã bưu điện viết tay trên các bao thư, hay hệ thống nhận dạng danh tính dựa vào mặt người. Ba ví dụ cuối tạo thành lãnh vực con phân tích ảnh của nhận dạng với đầu vào là các ảnh số.