Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Phương pháp thực nghiệm khoa học

Làm CNTT, đặc biệt là nghiên cứu phát triển các sản phẩm CNTT, đòi hỏi phải có thực nghiệm khoa học. Từ trước đến giờ bất kỳ một đề tài nào mình làm đều thực hiện công việc này. Tuy nhiên, về mặt lý luận chung về phương pháp này mình chưa đọc và kinh qua lần nào. Dưới đây là một vài sưu tầm được trên mạng về vấn đề thực nghiệm. Tuy nhiên là sao chép thô, chưa có sự biên tập chỉnh sửa gia cố gì cả. Nội dung của ai đó, chứ không phải của mình. Mình chỉ copy vào đây để đọc và học tập thôi. Hjhj (tránh bị cho là đạo văn).

Phương pháp thực nghiệm khoa học

2d. Phương pháp thực nghiệm khoa học
Là phương pháp thu thập các sự kiện trong những điều kiện được tạo ra một cách đặc biệt (tạo ra kinh nghiệm mới, lý thuyết mới để khẳng định những mối liên hệ dự kiến sẽ có trong những điều kiện mới) đảm bảo cho sự thể hiện tích cực, chủ động của các hiện tượng, sự kiện nghiên cứu.
Nói cách khác: Là chủ động gây ra hiện tượng nghiên cứu trong những điều kiện khống chế, nhờ đó có thể lặp lại nhiều lần, tách bạch ra và biến thiên từng nhân tố tác động và đánh giá, đo đạc tỉ mỉ sự biến đổi của hiệu quả theo sự biến thiên ấy.
Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp thực nghiệm
– Phương pháp thực nghiệm khoa học là một trong các phương pháp cơ bản trong nghiên cứu khoa học. Song chỉ được sử dụng khi và chỉ khi đặt ra bài toán làm sáng tỏ các mối liên hệ, sự phụ thuộc, giữa các hiện tượng nghiên cứu và sự thể hiện các giả định, kiểm định các giả thuyết.Có 3 điều kiện để sử dụng phương pháp thực nghiệm khoa học:
+ Biết được chính xác những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự nảy sinh và diễn biến của các hiện tượng nghiên cứu.
+ Xác định được những nguyên nhân của các hiện tượng do vạch ra được các điều kiện ảnh hưởng.
+ Lặp lại thí nghiệm nhiều lần tuỳ theo ý muốn và như vậy sẽ thu được, tích luỹ được những tài liệu định lượng mà từ đó có thể phán đoán về tính điển hình hay ngẫu nhiên của các hiện tượng nghiên cứu.
Tính chất đặc trưng của phương pháp thực nghiệm:
+ Cho khả năng nghiên cứu các hiện tượng với việc xác định đúng đắn các tác động quyết định để làm nhanh lên hoặc chậm lại các quá trình.
+ Cho khả năng thực hiện độc lập với môi trường (thực nghiệm trong phòng thí nghiệm).
+ Việc bổ sung nội dung của đối tượng thực hiện bằng các thành phần mới để làm thay đổi sự phát triển của đối tượng.
+ Kiểm định các giả thuyết giả định đã nêu ra và có những kết luận về chúng.
+ Giải thích các kết quả nhờ các công cụ và phương tiện đặc biệt.
– Yêu cầu cơ bản của việc sử dụng phương pháp thực nghiệm:
+ Không được cản trở hoặc đảo lộn tiến trình hoạt động bình thường của đối tượng nghiên cứu.
+ Chỉ được tiến hành thực nghiệm khi có đầy đủ luận cứ: mục đích; điều kiện (cơ sở lý luận, giả thuyết khoa học, đối tượng, tác động, phương pháp nghiên cứu,địa bàn thực nghiệm, lực lượng tham gia thực nghiệm v.v…); các bước thực nghiệm; xử lý kết quả; phân tích lý luận; khái quát hoá và hình thành tri thức mới… để tin tưởng rằng việc đưa ra những cái mới đã được kiểm tra vào quá trình nghiên cứu chỉ có thể góp phần nâng cao hiệu quả và thành công của công trình nghiên cứu, ít ra là không gây hậu quả xấu.
– Phân loại: thường chia thành hai loại phương pháp thực nghiệm chính:
+ Thực nghiệm tự nhiên.
+ Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Ngoài ra do mục đích và mức độ nghiên cứu người ta còn chia thành các loại phương pháp thực nghiệm khác như:
+ Thực nghiệm thăm dò.
+ Thực nghiệm xét nghiệm.
+ Thực nghiệm định tính.
+ Thực nghiệm định lượng…
(1) Thực nghiệm tự nhiên
Là phương pháp tiến hành trong điều kiện bình thường, giữ được trạng thái và nội dung hoạt động tự nhiên của đối tượng mà người nghiên cứu vẫn chủ động gây ra được những hiện tượng cần nghiên cứu.
Thực chất của phương pháp này là đem vấn đề nghiên cứu ra tổ chức thực hiện ở một địa bàn nhất định với những yêu cầu nhất định đối với những đối tượng thực hiện. Người nghiên cứu đưa ra kế hoạch thật tỉ mỉ, hợp lý tạo điều kiện thực hiện, có theo dõi, có đối chứng để cuối cùng có được những kết luận về tác dụng của những vấn đề mới đưa ra và phổ biến rộng rãi việc áp dụng.
(2) Thực nghiêm trong phòng thí nghiệm
Là phương pháp thực nghiệm được tiến hành để kiểm tra một vấn đề riêng biệt nào đó, hoặc để thu thập những cứ liệu cần thiết về đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp này có thể dùng các thiết bị chuyên môn, phương tiện kỹ thuật đặc biệt. Nếu không thì có thể dùng các tài liệu thực nghiệm được soạn thảo đặc biệt.
– Nếu sử dụng thiết bị thì cho phép ghi nhận chính xác những tác động bên ngoài và câu trả lời tương ứng của người thực nghiệm.
Phương pháp thực nghiệm trong phòng thí nghiệm nói chung trước đây ít được ứng dụng để nghiên cứu trong khoa học giáo dục, chủ yếu dùng trong việc nghiên cứu các đối tượng – sự vật, hiện tượng, quá trình của tự nhiên và xã hội. Ngày nay, có thể dùng phương pháp này trong việc nghiên cứu hoạt động của con người: vận động, trí nhớ, chú ý, trí tuệ, tình cảm, ý chí và còn sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu cơ chế sinh lý của các thể hiện tâm lý ở con người, các quá trình nhận thức và trạng thái tâm lý riêng lẻ mà trước hết là cảm giác, tri giác, trí nhớ, chú ý… (người ta dùng máy tốc thị giản đơn hay điện tử để nghiên cứu tốc độ tri giác, khối lượng chú ý…).
– Nếu không sử dụng thiết bị máy móc thì dùng tài liệu được soạn thảo một cách chuyên biệt làm phương tiện kích thích các hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.Đó là một loạt chữ số, những đoạn câu mạch lạc hay không mạch lac, các loại từ có hoặc không có màu sắc xúc cảm… để nhận biết.
Khác với thực nghiệm tự nhiên, thực nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể là:
Thực nghiệm xác nhận: có hay không có hiện tượng này khác.
Thực nghiệm hình thành: nghiên cứu các hiện tượng trực tiếp trong quá trình hình thành tích cực những đặc điểm này hay khác.
– Các quy tắc vận dụng phương pháp thực nghiệm khoa học:
+ Xây dựng sơ đồ thực nghiệm nhân tố (định tính).
+ Nêu giả thuyết về hiệu quả có thể xác định được đã được phát hiện ra quá trình nghiên cứu trước.
+ Ước lượng các biến thiên: có những yếu tố không đo đạc được phải lượng hoá việc đo đạc. Người ta dùng phương pháp đơn giản:
• Dùng phương pháp ghi dấu: dùng dấu hiệu qui ước nào đó của đối tượng nghiên cứu, khi gặp lại có thể đánh dấu và đếm được các dấu (như đếm lỗi chính tả).
• Lập biểu phân hạng (xếp hạng): xếp các đối tượng thành một dãy theo tiêu chuẩn tăng dần hoặc giảm dần và sau đó gán cho mỗi đối tượng (hiện tượng)nghiên cứu một số chỉ rõ một đối tượng.
+ Khống chế các tác động thực nghiệm:
• Khống chế ảnh hưởng thứ tự các tác động (dùng kỹ thuật hoán vị).
• Khống chế những điều kiện chủ quan của đối tượng được thực nghiệm để nó cân bằng và ổn định.
• Khống chế những tác động không thực nghiệm (giảm entropi).
+ Đảm bảo tính chất tiêu biểu của đối tượng nghiên cứu: quy nạp các đối tượng nhỏ để có tác dụng phổ biến, nên mẫu nghiên cứu phải tiêu biểu.
Có hai cách chọn nhóm mẫu:
Ngẫu nhiên: theo thống kê xác suất (chọn bất kỳ).
Chọn mẫu đại diện (chọn tỷ lệ tất cả như nhau).
+ Ghi biên bản: Cần ghi biên bản tỷ mỷ, chính xác.
– Phương pháp thực nghiệm khoa học cho phép đi sâu vào quan hệ bản chất, xác định được các quy luật, phát hiện ra các thành phần và cơ chế chính xác, kết quả thu được có độ tin cậy cao. Nhà nghiên cứu không thụ động chờ đợi sự xuất hiện các hiện tượng mà mình quan tâm mà tự mình tạo ra các điều kiện nên có khả năng tính đến một cách đầy đủ hơn các điều kiện đó cũng như những ảnh hưởng mà các điều kiện ấy gây ra cho đối tượng (người được nghiên cứu). Song hạn chế của phương pháp thực nghiệm khoa học là: hiện tượng diễn ra không được thực như tự nhiên, đòi hỏi phải có thiết bị, kỹ năng, tổ chức, thời gian tương đối phức tạp, khó có thể dùng phương pháp này để nghiên cứu những hoạt động diễn biến phức tạp trong tư tưởng, tình cảm con người.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Thông tin lò sản xuất tiến sĩ gây xôn xao dư luận

(Theo Vnexpress.net)

Một người dùng Facebook đưa ra phân tích về lò sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ.
Thông tin được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở ở Hà Nội. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).
Cho rằng thống kê nói trên có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm vì có thể "đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong một năm", nên người dùng Facebook nói trên đã thống kê cho cả năm 2015 để cho số liệu chính xác hơn.
Cụ thể, trong năm 2015, từ 1/1 đến 31/12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ. 
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
Thông tin trên nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn (chưa tính các lĩnh vực an ninh - quốc phòng) càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Vài năm sau là các vị tiến sĩ này thành phó giáo sư, giáo sư hết và sẽ nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ địa phương đến trung ương.
"Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước", vị giáo sư nhận định.
Một số đề tài được người dùng Facebook mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Trả lời báo chí, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1-2 luận án được bảo vệ, có ngành còn không có người nào.
Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, ông Thắng giải thích, đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, còn hiện nay, luận án đã đi vào với những đề tài thiết thực với cuộc sống.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Văn phong trong khoa học

(Sưu tầm)
VĂN PHONG TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Phan Minh Trí
– Chủ nhiệm CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – RCS
(Bài viết có sử dụng thông tin từ những tài liệu được tác giả tổng hợp)
Một bài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao là nhờ vào nội dung cũng như trình bày của nó. Tuy nhiên, có một yếu tố vô cùng quan trọng đến sự thành công của một bài nghiên cứu khoa học, đó chính là văn phong viết của tác giả. Trong bài viết này, tác giả xin được giới thiệu một số vấn đề liên quan đến văn phong trong bài nghiên cứu khoa học.
1. Thế nào là văn phong khoa học?
Văn phong khoa học là văn phong được sử dụng trong những công trình nghiên cứu khoa học, những bài viết khoa học cũng như những báo cáo khoa học. Một vài đặc điểm để nhận ra đâu là văn phong khoa học, đâu là văn phong thường ngày đó là: tính chính xác, tính khách quan và tính rõ ràng.
Tính chính xác thể hiện ở chỗ một kết luận được đưa ra, đòi hỏi phải có một hệ thống dẫn chứng, giải thích thuyết phục.
Tính khách quan thể hiện ở chỗ quan điểm của người viết. Người viết cần thể hiện được sự khách quan trong từng lập luận của mình. Nếu tác giả muốn thể hiện quan điểm của mình, tác giả cần tuân theo tính chính xác đã đề cập ở trên.
Tính rõ ràng là việc lời lẽ trong đề tài nghiên cứu có được thêm bớt, tô vẽ hay không. Một câu thể hiện tính chính xác phải tập trung vào nội dung chính của nó, không dung những từ ngữ không cần thiết để “tô vẽ” thêm cho nó, làm phân tâm người đọc. Bên cạnh đó, tính rõ ràng còn thể hiện ở từ ngữ được sử dụng trong bài nghiên cứu khoa học. Từ ngữ được sử dụng phải rõ ràng, không mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ.
Một bài viết có được văn phong khoa học, đòi hỏi từng câu, từng đoạn trong bài viết phải tập hợp đầy đủ 3 đặc điểm trên. Nếu thiếu mất một trong 3 đặc điểm trên, văn phong khoa học sẽ không còn, bài nghiên cứu cũng sẽ vì thế mà giảm đi tính trang trọng và tính tin cậy của nó.
2. Một số lưu ý về văn phong khi viết đề tài nghiên cứu khoa học
Không giống như văn phong nói hay văn phong trong những tác phẩm văn học, văn phong trong nghiên cứu khoa học cần phải trang trọng, đanh thép và thể hiện được tính khách quan một cách rõ ràng.
Có thể trong văn phong nói, chúng ta không có một trình tự trước sau rõ ràng. Văn phong khoa học đòi hỏi phải có một sự kiểm tra, sắp xếp lại các ý một cách logic nhất. Các đoạn văn cần phải thể hiện một nội dung cụ thể, rõ ràng. Cần phải sắp xếp các đoạn theo một trình tự logic nhất định và cần phải liên kết chúng với nhau.
Thêm vào đó, văn phong khoa học phải có lập luận chặt chẽ, khách quan. Một lập luận được đưa ra phải dựa trên một hệ thống các luận điểm có từ trước, những trích dẫn cũng như lời giải thích rõ ràng, có thể kèm theo hình ảnh, bảng, biểu đồ minh họa. Sử dụng số liệu để chứng minh những luận điểm đó sẽ làm bài viết trở nên thuyết phục và mang tính khoa học hơn. Ví dụ: thay vì chỉ nói “công ty A đang gặp phải vấn đề về khả năng thanh toán”, ta có thể nói “chỉ số thanh khoản tiền mặt của toàn ngành đang là 1.69, trong khi đó, chỉ số này của công ty A đang là 0.97. Điều đó cho thấy rủi ro thanh khoản của công ty này là rất cao”.
Một điều rất quan trọng nữa trong văn phong khoa học đó là ngữ pháp và từ vựng. Nếu như trong văn phong nói hay trong những tác phẩm văn học, tác giả có thể sử dụng tiếng lóng, tiếng địa phương hoặc sử dụng những biện pháp để thay đổi cấu trúc câu thì trong văn phong khoa học, những điều đó sẽ không được chấp nhận. Một đề tài mắc lỗi về từ vựng cũng như ngữ pháp sẽ không mang tính tin cậy cao. Sử dụng từ ngữ trang trọng, chính xác; ngữ pháp chính xác sẽ thuyết phục được người đọc. Một số tài liệu hay sử dụng để khắc phục một số lỗi từ vựng và ngữ pháp là:
- Cao Xuân Hạo, Lý Tùng Hiếu, Nguyễn Kiên Trường, Võ Xuân Trang, Trần Thị Tuyết Mai. 2005. Lỗi ngữ pháp và cách khắc phục. Ấn bản lần thứ hai. Lý Tùng Hiếu hiệu đính.
- Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt. Hoàng Phê chủ biên. Hà Nội: Trung tâm Từ điển học. Các ấn bản: thứ hai, 1991; thứ bảy, 1999; thứ tám, 2001; thứ mười ba, 2006.
3. Làm thế nào để có được văn phong khoa học trong bài nghiên cứu?
Như đã phân tích ở trên, văn phong khoa học rất quan trọng đối với một bài nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể có được văn phong khoa học trong bài nghiên cứu của mình. Vậy làm thế nào để đạt được văn phong khoa học trong bài viết của mình?
Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng văn phong khoa học là điều có thể đạt được do rèn luyện. Điều này có thể được chứng minh qua việc so sánh bài viết của một sinh viên năm 4 và một sinh viên năm nhất. Vì được rèn luyện qua môi trường Đại học, sinh viên năm 4 sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc viết bài nghiên cứu so với sinh viên năm nhất. Do đó, bài viết của sinh viên năm 4 sẽ mang văn phong khoa học đậm nét hơn. Bên cạnh đó, đối với những sinh viên thường viết bài nghiên cứu khoa học, văn phong sẽ trở nên mạch lạc, rõ ràng, đanh thép hơn, hay còn được gọi là có tính khoa học hơn so với những sinh viên ít viết bài nghiên cứu.
Để rèn luyện cho bài viết của mình có văn phong khoa học hơn, còn có thể thường xuyên đọc những bài báo khoa học, bài nghiên cứu, … Đó là những bài nghiên cứu, bài báo khoa học đã được thẩm định, điều đương nhiên là văn phong ở đó mang tính khoa học rất cao. Do đó, đọc và rút kinh nghiệm từ những bài viết khoa học đó sẽ giúp chúng ta rèn luyện được văn phong khoa học trong những bài nghiên cứu của mình.
Văn phong khoa học trong bài nghiên cứu là điều rất quan trọng. Nó phần nào quyết định đến độ tin cậy, sự thành công của bài nghiên cứu. Tuy không dễ để có thể có được văn phong khoa học trong bài nghiên cứu nhưng đó là điều có thể luyện tập được. Tác giả hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ tìm thấy được những điều bổ ích cho công việc nghiên cứu cũng như học tập của mình

Lấy bằng tiến sĩ Toán, Công nghệ trong nước không dễ!

Lấy bằng tiến sĩ Toán, Công nghệ trong nước không dễ

Thời gian làm luận án của các nghiên cứu sinh thường rất dài, rất lâu, bình thường là 6-7 năm nhưng cũng có người kéo dài đến cả 10 năm. Đến nỗi có người làm tiến sĩ xong thì cũng chuẩn bị về hưu.

Trong bài trước tôi đã kể về những khó khăn vất vả của việc làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Nhưng sau này về nước và làm việc ở Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), qua câu chuyện của đồng nghiệp, bạn bè, học trò, tôi thấy làm tiến sĩ Toán trong nước còn khó khăn hơn gấp bội.
Có thể nêu ra một số nguyên nhân cơ bản sau. Thứ nhất, việc đào tạo tiến sĩ ở ta đa số và chủ yếu là đào tạo tại chức, các nghiên cứu sinh vẫn phải làm việc tại cơ quan đồng thời triển khai luận án. Dù các đơn vị chủ quản đều có những ưu đãi nhất định về mặt phân công công việc, nhưng nghiên cứu sinh không có học bổng riêng mà chỉ được giữ nguyên mức lương cơ bản, vì thế, dù muốn hay không, các cán bộ đi học vẫn phải làm việc để đảm bảo cuộc sống của mình.
Đây là một điểm trừ rất lớn, bởi vì trong nghiên cứu khoa học sự tập trung và liên tục đóng vai trò rất quan trọng. Nếu đang làm mà ta lại bỏ đi để làm việc khác thì khi quay trở lại, có thể ta phải bắt đầu lại từ đầu.
lay-bang-tien-si-toan-cong-nghe-trong-nuoc-khong-de
TS Trần Nam Dũng.
Thứ hai là môi trường khoa học không thật hoàn hảo, điều kiện để tiếp xúc với những nhà khoa học cùng chuyên ngành không nhiều, vì ở trong nước tìm được người cùng chuyên ngành, cùng mối quan tâm là không dễ, còn ở ngoài nước thì lại đụng phải vấn đề kinh phí. Sự hỗ trợ của cơ sở đào tạo hay cơ quan chủ quản cho nghiên cứu sinh trong vấn đề tham gia các hội nghị quốc tế là rất hạn chế. Tất cả cuối cùng cùng quy về sự xoay sở của thầy và trò, lấy từ tiền đề tài, dự án hoặc tiền cá nhân.
Trước đây vấn đề sách báo tài liệu cũng là một trong những khó khăn nhưng ngày nay với sự xuất hiện của Internet, với những thư viện điện tử, những kho tư liệu khổng lồ và cập nhật, vấn đề này đã được đưa xuống thứ yếu.
So với làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì quy trình làm nghiên cứu sinh trong nước phức tạp hơn, chặt chẽ hơn và rườm rà hơn rất nhiều. Tôi đếm sơ sơ từ lúc bắt đầu đến lúc bảo vệ phải trên dưới chục lần thành lập hội đồng: từ hội đồng duyệt đề cương đến các hội đồng nghiệm thu chuyên đề, bảo vệ ở các cấp. Mỗi lần như thế đều phải sắp xếp giờ giấc, mời chuyên gia, chuẩn bị tài liệu, báo cáo rất vất vả. Và mỗi lần như thế nghiên cứu sinh còn phải lo lắng cả chuyện đi lại, ăn ở của các chuyên gia.
Mà tiêu chuẩn để được ra bảo vệ, ít nhất trong những ngành mà tôi biết là Toán và Công nghệ thông tin vẫn rất khắt khe. Nếu có vài bài báo đăng ở các tạp chí uy tín thì tốt, còn không cũng phải có 4-5 bài đăng ở tạp chí trong và ngoài nước, có báo cáo ở các hội nghị khoa học có bình duyệt. Nói cách khác, tuy điều kiện khó khăn hơn nhưng yêu cầu thì cũng không kém gì các yêu cầu đối với một luận án ở nước ngoài.
Chính vì thế mà theo tôi nhận thấy thì thời gian làm luận án của các nghiên cứu sinh thường rất dài, rất lâu, bình thường là 6-7 năm nhưng cũng có người kéo dài đến cả 10 năm. Đến nỗi có người làm tiến sĩ xong thì cũng chuẩn bị về hưu.
Có lẽ chính vì khó khăn như vậy nên ở khoa Toán Đại học Khoa học tự nhiên, số tiến sĩ bảo vệ trong nước trong suốt nhiều năm qua có thể nói là chỉ xấp xỉ số ngón tay của hai bàn tay. Đa số sinh viên ưu tú của khoa Toán - Tin học đều tìm cơ hội và được tạo điều kiện để đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Rất vui mừng là nhiều em trong số đó nay đã trở về để bổ sung kịp thời cho đội ngũ cán bộ khoa học của trường.
Và điều này có lẽ không phải là đặc thù riêng của khoa Toán, ngay cả ở những đơn vị mạnh như khoa Công nghệ thông tin của trường, hay ở Viện Toán học Việt Nam, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiếm có giáo sư nào có quá 10 học trò là tiến sĩ.
TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HC
M