Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Mua sắm tài sản công theo hình thức tập trung

Nguồn: Sưu tầm Internet. Sơ tài chính Ninh Bình.

 Bước 1. Tiếp nhận văn bản

Tất cả văn bản của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung (bao gồm cả văn bản chuyển qua đường bưu điện và văn bản do phòng chuyên môn tiếp nhận) đều phải được chuyển sang cho cán bộ văn thư làm các thủ tục theo quy trình về xử lý công văn đến.

Sau khi tiếp nhận văn bản về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung (sau đây gọi là văn bản MSTT) do Giám đốc phân công, Trưởng phòng phân công cán bộ thực hiện (sau đây gọi là CB).

Bước 2. Giải quyết công việc

1.Tổng hợp nhu cầu mua sắm

Tất cả tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp tỉnh do các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đề nghị mua sắm theo phương thức tập trung nộp đúng thời hạn quy định đều phải được tổng hợp vào Bảng tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung theo mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp đơn vị gửi đăng ký sau thời hạn quy định, CB dự thảo văn bản trả lời đơn vị báo cáo lãnh đạo phòng trình Phó Giám đốc chuyên quản xem xét, ký nháy vào văn bản sau đó trình Giám đốc xem xét, ký ban hành văn bản.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung toàn tỉnh, CB thực hiện dự thảo công văn đề nghị các cơ quan có liên quan thực hiện công khai nhu cầu mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung (công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình, Website của Sở Tài chính và Trang thông tin điện tử về tài sản công).

  1. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Trên cơ sở Bảng tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung thực hiện phân chia nhu cầu mua sắm tài sản của các cơ quan, đơn vị thành các gói thầu và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

  1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

Việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp cần thiết có thể đề nghị lãnh đạo Trung tâm xem xét cho phép thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản có liên quan.

  1. Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung

Trong trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu ký kết thỏa thuận khung mua sắm tập trung.

Sau khi ký kết thỏa thuận khung, cán bộ giao phụ trách trực tiếp công tác tổng hợp mua sắm tập trung có trách nhiệm thực hiện công tác công khai và thông báo:

– Đăng tải danh sách các nhà thầu được lựa chọn, thỏa thuận khung đã ký kết, tài liệu mô tả tài sản, mẫu hợp đồng mua sắm trên Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của Sở Tài chính.

– Gửi Thông báo đến các đơn vị đầu mối, đơn vị đăng ký mua sắm tập trung về Thỏa thuận khung MSTT.

Bước 3. Thực hiện Thỏa thuận khung MSTT

  1. Đơn vị sử dụng tài sản ký kết hợp đồng mua sắm tài sản;
  2. Nhà thầu bàn giao tài sản cho đơn vị sử dụng tài sản;
  3. Hai bên nghiệm thu, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản

4.- Đơn vị sử dụng tài sản thanh toán tiền mua sắm tài sản cho nhà thầu

  1. Nhà thầu thực hiện bảo hành, bảo trì tài sản.

Việc ký kết hợp đồng mua sắm tài sản; thanh toán tiền mua sắm tài sản; Bàn giao, tiếp nhận tài sản; quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản; bảo hành, bảo trì tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.