Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

TS. Lã Thế Vinh

Tiếp nhận và giải mã thành công tín hiệu của Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu Galileo

26-12-2012 15:17 - Theo: qdnd.vn

QĐND Online - Nhóm nghiên cứu phát triển bộ thu định vị đa hệ thống SDR Navisoft của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK), đã tiếp nhận và giải mã thành công tín hiệu định vị của các vệ tinh đầu tiên thuộc Hệ thống vệ tinh Định vị Toàn cầu Galileo của Liên minh châu Âu (EU).

Vị trí của 4 vệ tinh Galileo PFM, FM2, FM3, FM4 trên bầu trời Hà Nội

Trong ngày 17-12-2012, từ lúc 15 giờ 25 phút đến 19 giờ 25 phút, lần đầu tiên 4 vệ tinh Galileo cùng xuất hiện và phát tín hiệu định vị miễn phí Galieo E1OS trên bầu trời Hà Nội. Cùng thời điểm, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm NAVIS đã tiến hành thử nghiệm việc sử dụng dịch vụ định vị Galileo. Kết quả cho thấy bộ thu Navisoft do Trung tâm phát triển đã thành công trong việc tiếp nhận và giải mã đầy đủ 4 vệ tinh Galileo: PFM, FM2, FM3, FM4, với số hiệu mã cự ly tương ứng 11, 12, 19, 20.
TS Lã Thế Vinh, người tham gia trực tiếp vào quá trình giải mã tín hiệu Galileo, cho biết: "Việc tiếp nhận và giải mã thành công tín hiệu Galileo có ý nghĩa quan trọng trong việc sẵn sàng làm chủ và phát triển các giải pháp định vị đa hệ thống; giúp nâng cao độ chính xác, độ tin cậy của dịch vụ định vị và đặc biệt giảm sự phụ thuộc vào một hệ thống định vị riêng lẻ". Theo kế hoạch của EU, hệ thống Galileo sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị vào năm 2015, và hoàn thành vào năm 2020.
Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu Galileo của EU dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với 27 vệ tinh địa tĩnh hoạt động trên quỹ đạo trái đất. Tính đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Galileo đã có 4 vệ tinh đang hoạt động (2 vệ tinh thuộc hệ thống này được phóng lên quỹ đạo hồi trung tuần tháng 10-2012). Các vệ tinh này phục vụ cho giai đoạn chạy thử trên quỹ đạo (In-Orbit Validation) của hệ thống. Theo nguyên lý cơ bản, dịch vụ định vị Galileo cần có tín hiệu của ít nhất 4 vệ tinh để xác định vị trí điểm chuẩn.
Nhóm nghiên cứu đang tiến hành giải mã tín hiệu Galileo

Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) được thành lập vào tháng 10-2010 thông qua sự tài trợ của chương trình khung về Khoa học Công nghệ FP7 của EU; phối hợp quản lý điều hành trực tiếp giữa Trường ĐHBK Hà Nội và ĐHBK Torino (Italia) cũng như các đối tác quốc tế khác như: Viện Nghiên cứu Cao cấp Mario Boella (Italia) và ĐHBK Catalunya (Tây Ban Nha). Trung tâm được thành lập với mục đích trở thành một trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh tại khu vực Đông Nam Á, và là một cầu nối giữa Châu Âu và Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển công nghệ định vị Galileo. Trung tâm NAVIS cùng với Viện nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học Vật liệu tính toán (ICCMS) hiện là 3 đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp đang hoạt động hiệu quả của Trường ĐHBK Hà Nội.
Hiện tại, Trung tâm NAVIS đang chủ trì và tham gia vào nhiều đề tài và dự án nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực: Giải pháp định vị đa hệ thống; công nghệ và hạ tầng định vị chính xác; cũng như các ứng dụng hướng vị trí phục vụ trong giao thông thông minh và giám sát môi trường...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét