Trải
nghiệm qua nhiều lần chủ nhiệm đề tài cấp bộ, đã từng thuyết trình và nghe các
review bình duyệt đề cương nghiên cứu, cũng như đã nhiều lần chủ trì xét chọn đề
cương nghiên cứu của một số nhóm nghiên cứu, bản thân cũng tự đúc rút được một
số kinh nghiệm, bài học xác đáng trong con đường nghiên cứu đầy chông gai. Bài
viết này giới thiệu những cách thức, kinh nghiệm của cá nhân về viết "Tổng quan tình
hình nghiên cứu, luận giải về mục tiêu và những nội dung nghiên cứu"
để có được bản thuyết minh đề cương đề tài tốt nhất, tiến tới vượt qua các cuộc
bình duyệt một cách dễ dàng.
Trước
tiên bài viết giới thiệu cấu trúc của viết tổng quan theo yêu cầu và những khái
niệm liên quan; tiếp theo giới thiệu cách giới thiệu chọn những công trình liên
quan và giới thiệu nó như thế nào; tiếp theo lý giải tại sao lại đặt ra mục
tiêu như vậy và đưa ra nội dung nghiên cứu là như vậy. Cuối cùng là kết luận và
một vài động lực thúc đẩy người đọc bắt tay vào viết đề cương nghiên cứu.
1. Cấu trúc và những yêu cầu cơ bản của việc viết tổng quan
1.1.
Cấu trúc theo mẫu
Trong các mẫu thuyết minh của Bộ Khoa học và Công nghệ
theo thông tư 10/2014/TT-BKHCN giao trực tiếp tổ chức cá nhân nhiệm vụ khoa học
công nghệ sử dụng ngân sách, nội dung phần viết tổng quan được cấu trúc là:
"1. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của
nhiệm vụ
a) Ngoài
nước (Phân tích đánh
giá được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới
nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ; nêu được những bước tiến về trình
độ KH&CN của những kết quả nghiên cứu đó).
b) Trong nước (Phân tích,
đánh giá tình hình nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ,
đặc biệt phải nêu cụ thể được những kết quả KH&CN liên quan đến nhiệm vụ mà
các cán bộ tham gia nhiệm vụ đã thực hiện. Nếu có các nhiệm vụ cùng bản chất đã
và đang được thực hiện ở cấp khác, nơi khác thì phải giải trình rõ các nội dung
kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ này; Nếu phát hiện có nhiệm vụ đang tiến hành
mà nhiệm vụ này có thể phối hợp nghiên cứu được thì cần ghi rõ Tên nhiệm vụ,
Tên Chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì nhiệm vụ đó)
2. Luận giải về việc đặt ra mục tiêu và
những nội dung cần nghiên cứu của nhiệm vụ
(Trên cơ sở đánh giá tình hình
nghiên cứu trong và ngoài nước, phân tích những công trình nghiên cứu có liên
quan, những kết quả mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu nhiệm vụ, đánh giá những
khác biệt về trình độ KH&CN trong nước và thế giới, những vấn đề đã được giải
quyết, cần nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những hạn chế cụ thể, từ đó
nêu được hướng giải quyết mới - luận giải và cụ thể hoá mục tiêu đặt ra của nhiệm
vụ và những nội dung cần thực hiện trong nhiệm vụ để đạt được mục tiêu).".
1.2. Một số khái
niệm
a) Đánh giá
Theo từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. ISBN 1-881608-05-0)
thì "Đánh giá" có nghĩa nhận định giá trị. Những từ có nghĩa gần
với đánh giá là phê bình, nhận xét, nhận định, bình luận, xem xét. Đánh
giá một đối tượng nào đó, chẳng hạn một con người, một tác phẩm nghệ thuật, một
sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ, đội ngũ giáo viên hay đánh giá tác động môi
trường có ý nghĩa quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, nghệ thuật,
thương mại, giáo dục hay môi trường.
b) Tổng quan tình hình nghiên cứu
Tổng quan tình hình nghiên cứu là một bài viết mô tả của
người nghiên cứu được thực hiện trước khi bắt đầu một cuộc khảo sát về chủ đề
nào đó, nhà nghiên cứu thường hỏi và tự trả lời những câu hỏi sau: Đã ai khác
tìm hiểu điều này chưa? Liệu có ai làm gì tương tự mà ta có thể học hỏi từ đấy?
Hiện có chăng ai đó đang tìm hiểu chủ đề giống thế này, hoặc tương tự? Do vậy
điều ta đang làm có độc đáo không?
Viết tổng quan
là tập hợp, giới thiệu, nhận xét và đánh giá nhiều công trình khoa học về cùng
cái chủ đề mà người nghiên cứu chọn để nghiên cứu. Theo một cách nào đó thì tổng
quan tình hình nghiên cứu còn là “sự chọn lựa những nghiên cứu đã có trước đó (cả
đã công bố lẫn không công bố) về cùng chủ đề đang đề xuất để thực hiện những mục
tiêu nhất định hay thể hiện những quan điểm nhất định về chủ đề ấy và cách thức
nên khảo cứu nó, cũng như đánh giá các nghiên cứu này trong quan hệ với cuộc
nghiên cứu đang đề xuất. Bài tổng quan trình bày vắn tắt và đánh giá từ hai văn
bản học thuật trở lên về một chủ đề chung nhưng không ghép nối văn bản này sau
văn bản kia một cách cơ giới, mà thông qua sự sắp xếp, phân tích so sánh và
đánh giá của người tổng quan.
c) Lĩnh vực của nhiệm vụ
Lĩnh vực của nhiệm vụ (hay lĩnh vực của đề tài) là chủ đề
nghiên cứu được giới hạn trong phạm vi hoạt động nghiên cứu cụ thể, xác định;
thông qua lĩnh vực của nhiệm vụ nghiên cứu ta phân biệt được các nhiệm vụ
nghiên cứu khác nhau. Ví dụ: lĩnh vực chính trị; lĩnh vực khoa học và công nghệ;
lĩnh vực sinh học; lĩnh vực khoa học lịch sử,…Lĩnh vực nghiên cứu có thể được
chia thành nhiều cấp độ chi tiết khác nhau, lĩnh vực của nhiệm vụ càng được cụ
thể, chi tiết trong một nhánh phân cấp lĩnh vực nào đó thì vấn đề nghiên cứu
càng được xác định, rõ ràng. Ví dụ, cùng là lĩnh vực về An ninh mạng, nhưng có
thể phân nhánh thành An ninh hạ tầng mạng và An ninh dịch vụ mạng. Trong An
ninh dịch vụ mạng lại chia thành nhiều nhánh, nhiều cấp độ khác, chẳng hạn
trong đó có nhánh về bảo mật dịch vụ web, bảo mật dịch vụ mail,...
Lĩnh vực của đề tài thường liên hệ mật thiết và được xác định
ngay trong tên đề tài. Ví dụ: với đề tài
"Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải thiện chất lượng làm việc…"
thì lĩnh vực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên với đề tài "Ứng
dụng tâm lý lao động trong việc cải thiện chất lượng làm việc…" thì lĩnh vực
thuộc khoa học tâm lý.
2. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của
nhiệm vụ
2.1. Cấu trúc của
phần đánh giá
Ở nội dung của mẫu
thuyết minh "1. Đánh giá tổng quan tình hình
nghiên cứu thuộc lĩnh vực của nhiệm vụ", theo mẫu
quy định thì có 2 mục con a) và b) đi vào trực tiếp vấn đề. Do đó, để nội dung
không bị khô cứng, và nội dung có thể bao quát hơn, người viết có thể cấu trúc
thành 3 mục a) b) c) như sau:
1. Đánh giá
tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của nhiệm vụ
a)
Giới thiệu khái quát chung về vấn đề/chủ đề nghiên cứu
b) Ngoài nước
c) Trong nước
2.2. Yêu cầu cơ bản của viết đánh giá
Để có được một đánh giá
tình hình nghiên cứu tốt, theo kinh nghiệm của cá nhân thì cần thực hiện 2 yêu
cầu cơ bản sau:
Yêu
cầu 1. Để đánh giá được tổng quan tình hình nghiên cứu, trước
tiên người nghiên cứu cần thống kê, lựa chọn ra một danh sách các công trình
nghiên cứu thuộc cùng loại, có liên quan đến đề tài nghiên cứu để đánh giá và
phân tích. Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nội dung logic của vấn đề nghiên cứu.
Yêu
cầu 2. Phân tích một công trình nghiên cứu là xem xét nghiên cứu
đó làm cái gì? làm như thế nào? Ý nghĩa đặc sắc của nó là gì? Ưu điểm là gì?
Nhược điểm là gì? Còn những khoảng trống nào còn có thể cải thiện, đặc biệt là
những yếu tố có thể cải thiện liên quan mật thiết đến đề tài đang đề xuất. Để từ
đó định ra hướng đề tài cần thực hiện.
2.3. Một số ví dụ
Ví dụ 1: Khi đánh giá một số công cụ dò quét lỗ hổng bảo mật
website trong đề tài xây dựng công cụ dò quét lỗ hổng website, dựa trên một tài
liệu mô tả chi tiết về một công cụ ghi trong tài liệu [11], một tác giả đã đánh
giá như sau:
Công
cụ Acunetix Web Vulnerability Scanner (Tài liệu [11], https://www.acunetix.com/) là phần mềm quét lỗ hổng website (gọi tắt là Acunetix), gồm SQL
Injection, Cross Site Scripting và nhiều lỗ hổng khác.
Acunetix có 1 bộ engine phát hiện lỗ hổng
website hàng đầu hiện nay cùng với Acunetix AcuSensor giúp thực hiện các cuộc tấn
công tự động và hiển thị các lỗ hổng được phát hiện. Đó cũng là một công nghệ bảo
mật duy nhất có thể tìm thấy lỗ hổng nhanh nhất với số lượng cảnh báo giả thấp
nhất. Điều này cũng cho thất lỗ hổng trong mã và báo cáo thông tin gỡ lỗi hiệu
quả. Đồng thời xác định được các lỗ hổng website như: File inclusion,
CRLF, Code execution, Directory Traversal, lỗ hổng khi xác thực,...
Nếu
Acunetix là một công cụ hữu ích cho việc quét lỗ hỏng của website thì Burp
Suite lại phục vụ kiểm tra tính bảo mật của ứng dụng web. Nếu sử dụng kết hợp 2
ứng dụng này thì mang lại nhiều hiệu quả cho người dùng.
Công
cụ Acunetix phát hiện và báo cáo một loạt các lỗ hổng trong các ứng dụng được
xây dựng dựa trên kiến trúc như: WordPress, Ruby on Rails, PHP, ASP.NET, Java
Frameworks và rất nhiều ngôn ngữ khác. Công cụ này đem lại một tập các tính
năng mở rộng của 2 công cụ tấn công thử nghiệm tự động và tấn công thử nghiệm bằng
hình thức thủ công. Acunetix cho phép phân tích an ninh thực hiện đáng giác các
lỗ hổng, đồng thời khuyến cáo sửa chữa và phát hiện các mỗi đe dọa. Kết quả
quét lỗ hổng có thể được dùng để tạo các báo cáo nhằm quản lý cũng như phát triển
trang web một cách hiệu quả.
Công
cụ Acunetix cho phép cấu hình dò quét lỗ hổng website trong quá trình thực hiện,
đưa địa chỉ web cố định, file chứa link kết quả cào website quét; cấu hình lịch
quét để có thể vượt qua proxy của các website.
Toàn
bộ đội ngũ phát triển Acunetix gồm có các nhà an ninh có nhiều năm kinh nghiệm
trong việc phát triển các phần mềm quét lỗ hổng an ninh mạng trước khi làm việc
với Acunetix. Acunetix còn được xem là một công ty tư nhân với các văn phòng đại
diện tại Malta và Anh. Đây là một đối tác đáng tin cậy của hãng Microsoft. Bên
cạnh đó, Acunetix cũng có một công ty đối tác với một nhà phát triển phần mềm
IP PBX cho Windows (3CX).
Có ba điểm yếu mà công cụ Acunetix gặp phải
là: (1) chi phí lớn cho đặt hàng rà quét cho một website đối tượng trong một
năm; (2) Việc thực hiện vấn đề bảo mật, rà quét lỗ hổng chống tấn công dựa vào
một công cụ của một nhà cung cấp khác, không chủ động, có đảm bảo an toàn ở mức
độ cao cho các nhà quản lý website, đặc biệt lại là lực lượng công an; (3) việc
cập nhật, bổ sung dữ liệu đầu vào cho từng loại lỗ hổng; hoặc cập nhật thêm các
loại lỗ hổng cho công cụ là hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ, sản
phẩm cung cấp ra thị trường là không có chức năng này.
Qua ví dụ trên, tác giả đã giới thiệu công cụ, những chức năng chính của công, ưu điểm và hạn chế của công cụ. Chú ý rằng hạn chế đõ sẽ hướng tới mục tiêu của đề tài đề xuất.
Ví dụ 2: Khi đánh giá về các công trình nghiên cứu liên quan của đề tài
nghiên cứu phát triển một số thuật toán phát hiện và phân loại phương tiện
trong video giao thông. Tác giả đề tài đã đánh giá một công trình nghiên cứu
liên quan như sau:
Năm
2010, nhóm nghiên cứu của Chung-Cheng Chiu và cộng sự [7], đã phát triển một hệ
thống giám sát giao thông tự động nhận dạng và theo dõi ô tô dựa trên kích thước.
Nghiên cứu của Chung-Cheng Chiu phát triển một hệ thống giám sát giao thông thời
gian thực, bao gồm phát hiện, nhận dạng và theo dõi các phương tiện từ các ảnh
chụp trên đường (Hình 1.11). Các ô tô chuyển động có thể được tự động tách từ các
ảnh chụp liên tiếp bằng phương pháp phân đoạn đối tượng chuyển động.
Phương
pháp phân đoạn và nhận dạng sử dụng chiều dài, chiều rộng và kích thước mui xe
để phân loại các phương tiện như xe tải lớn/nhỏ, xe con hoặc các phương tiện lớn
khác. Các đối tượng được phân đoạn có thể được nhận dạng và đếm tương ứng với
các đặc tính khác nhau của chúng, tùy theo các phương pháp nhận dạng và theo
dõi được đề xuất.
Hệ thống
đã được thử nghiệm trên các đoạn đường, sử dụng nhiều cảnh đường phức tạp, dưới
ảnh hưởng của nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, từ đó thảo luận và chứng
minh độ chính xác, khả năng đáp ứng nhanh của phương pháp này. Kết quả xác định
phát hiện các loại xe, từ xe tải to đến các xe con, xe chuyên dùng mini,... có
độ chính xác từ 90% đến 98%.
Giai đoạn
đầu tiên, phân đoạn các ô tô chuyển động, sử dụng BSM. Các đối tượng chuyển động
được phát hiện bằng cách lấy ảnh đầu vào trừ đi ảnh nền.
Giai đoạn
thứ hai, các ô tô chuyển động được gán nhãn các thành phần kết nối để thu được
các khung có đường biên. Các ô tô trong khối được phát hiện và phân đoạn trong
các ô biên. Phương pháp này hiệu quả đối với việc phát hiện và phân đoạn các loại
ô tô khác nhau trong khối trên dựa trên đặc điểm hình dạng của chúng, có thể
phân thành hai hoặc nhiều hơn hai khối ô tô ràng buộc nhau.
Hình 1.11. Sơ đồ của hệ thống giám
sát giao thông tự động
Cuối
cùng, các phương pháp nhận dạng và theo dõi được áp dụng để xử lý cho mỗi xe. Hệ
thống đề xuất có thể phân loại thành 5 loại xe ô tô, phát hiện luồng giao thông
và tốc độ trung bình theo thời gian thực.
Đánh
giá hướng tiếp cận của Chung-Cheng Chiu:
- Hệ thống
dùng BSM để phát hiện đối tượng chuyển động, sử dụng độ dài của các đối tượng, bao gồm chiều dài, chiều rộng,
độ dài một số thuộc tính của xe ô tô để tiến hành nhận dạng và phân loại. Kết
quả đã phân loại được một số loại xe ô tô như xe con, xe tải, xe bán tải, xe tải.
- Hệ thống
đã sử dụng một CSDL kích thước xe (chiều dài, chiều rộng) để phân biệt một xe ô
tô và các ô tô dính khối với nhau, từ đó phân giải các khối nhiều hơn một ô tô.
Trong một số trường hợp như rất nhiều xe dính khối, hoặc che khuất tầm nhìn một
phần thì việc phân giải các khối bị thất bại.
- Tuy vậy,
hệ thống mới đề cập đến vấn đề phương tiện giao thông là ô tô, chưa đề cập đến
các phương tiện khác như xe máy, phương tiện thô sơ khác.
Ví dụ 2 cho thấy: tác giả đã giới thiệu công trình nghiên cứu của ai, khi nào, nội dung chính và phương pháp tiến hành nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, những hạn chế còn có thể khắc phục.
3. Lý giải việc định ra mục tiêu
3.1. Mục đích của lý giải
Khi trình bày kết quả phân tích và đánh giá các công trình
nghiên cứu liên quan, người bình duyệt đánh giá được:
- Đề tài nghiên cứu có cấp thiết hay không;
- Tầm hiểu biết của nhóm tác giả về vấn đề nghiên cứu đến
đâu;
- Mục tiêu của đề tài có hợp lý hay không;
- Tạo ra nhìn nhận của người bình duyệt về khả năng thành
công nếu cho phép thực hiện.
- Từ nhược điểm, hạn chế của
những công trình liên quan đã giới thiệu ở phaand trên, nêu được những nhược điểm đó có phương pháp
khắc phục, mà nhóm nghiên cứu có thể khắc phục được, từ đó đáp ứng được mục
tiêu đề ra của đề tài.
3.2. Nội dung cần lý giải
Hãy đạt vị trí là người đọc
bản thuyết minh mà đặt cho mình câu hỏi "Tại sao lại đề ra mục tiêu như vậy?".
Và trả lời được câu hỏi này tức là đã làm rõ được việc định ra mục tiêu. Có thể
trả lời thông qua một số các câu trả lời thuộc cấu trúc như:
- Muốn cái tiến cái gì?
- Muốn tăng cường cái gì,
nâng cao cái gì?
- Muốn giảm cái gì?
- Làm cho cái gì đó trở nên
hiệu quả hơn?
- Làm ra cái gì đó phục vụ
cái gì, mà trước đây chưa có.
Việc trả lời những câu hỏi
trên thành công chính là đã lý giải được tại sao lại định ra mục tiêu như vậy.
Trong quá trình trả lời các ý, nên thể hiện sự am hiểu của nhóm nghiên cứu,
cũng như khả nằng thực hiện được mục tiêu đề ra.
3.3. Lý giải việc định ra nội dung cơ bản
Để thực hiện đạt được mục
tiêu thì cần phải làm những việc gì? Đây chính là lý giải cho việc định ra nội
dung cơ bản cần thực hiện của đề tài. Trên thực tế kinh nghiệm cho thấy, căn cứ
vào mục tiêu sẽ suy được nội dung.
4. Kết luận
Để viết tổng quan tốt, luận giải được mục tiêu và nội dung
nghiên cứu, có thể có nhiều cách thức, con đường khác nhau, nhưng có lẽ tốt nhất
cần thực hiện:
Thứ nhất, đọc nhiều các công trình nghiên cứu của người
khác, đọc và học cách viết của họ, khi đọc cần tự chiêm nghiệm cho mình là "Tại
sao họ lại viết như vậy"?, hãy so sánh với những hướng dẫn, chia sẻ trong
bài viết này
Thứ hai, tham dự và nghe nhiều các Hội đồng khoa học, các
hội thảo khoa học, những tranh luận, mổ xẻ các vấn đề của Hội đồng thảo luận sẽ
mang lại nhiều tri thức cho người nghe. Tuy nhiên phải nghe một cách tích cực,
chứ không phải nghe thụ động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét